(HNM) - Tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân do Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 8-2, nhiều đại biểu tỏ rõ sự lo ngại khi bệnh sởi đã chính thức xuất hiện trở lại tại Hà Nội sau 3 năm không xảy ra dịch.
Nỗi lo càng lớn bởi chính vào lúc bệnh quay trở lại thì biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất - tiêm vắc xin - không còn được người dân tin tưởng lựa chọn như trước, sau những sự cố liên quan đến tiêm chủng ở một số tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương, hiện đang điều trị nội trú hơn 100 ca mắc bệnh sởi. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Nhiều ca mắc sởi bị biến chứng
Khoảng một tháng trở lại đây, các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 138 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 30 trường hợp trong số đó có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Bệnh nhân tập trung tại BV Xanh Pôn, BV Nhi trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương... Trước đó, vào cuối tháng 12-2013, ngành y tế Thủ đô cũng ghi nhận 10 trường hợp mắc sởi. Đến nay, số ca mắc sởi tập trung chủ yếu ở các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Hà Đông. Trung bình, mỗi ngày có 1-2 trường hợp mắc, ngày nhiều nhất có tới 6 trường hợp.
Theo một bác sĩ tại Khoa Nhi (BV Xanh Pôn), ca mắc sởi đầu tiên tại BV được phát hiện ngày 15-12-2013. Từ đó đến nay, BV ghi nhận 110 ca sốt phát ban dạng sởi và kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều trường hợp dương tính với sởi. Điều đáng nói là trong số ca mắc bệnh, hơn 90% có biến chứng viêm phổi; ngoài ra, có 2 trường hợp biến chứng nặng, trong đó có 1 bệnh nhân viêm não do sởi nhập viện ngày 27 tháng Chạp và hiện vẫn đang phải điều trị tích cực. Một trường hợp đáng lưu ý: Cháu bé ở quận Thanh Xuân bị sởi, sau khi khỏi bệnh đã được xuất viện nhưng chỉ vài ngày sau lại phải tái nhập viện, được chuyển lên điều trị ở BV Nhi trung ương nhưng đã tử vong sau đó 4 ngày. Dù nguyên nhân tử vong là cháu bé bị nhiễm trùng huyết nhưng, theo các bác sĩ, sởi là nguyên nhân gián tiếp gây suy giảm miễn dịch, khiến cháu bé không có khả năng chống bệnh. "Hiện nay, hằng ngày khoa đều tiếp nhận những ca sốt phát ban nghi sởi. Sởi là bệnh lây lan nhanh với biến chứng vô cùng nguy hiểm, nhất là làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến trẻ bị bội nhiễm" - đại diện Khoa Nhi (BV Xanh Pôn) nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm: Từ năm 2010, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đúng, đủ 2 mũi tiêm. Mũi 1 được tiêm vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao, đạt từ 95% trở lên, thậm chí năm 1998 còn đạt tỷ lệ 99%. Hiệu quả từ việc tiêm vắc xin giúp ngành y tế khống chế bệnh sởi trong suốt 3 năm qua.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra những sự cố tai biến sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, tỷ lệ tiêm phòng tại Hà Nội giảm xuống, chỉ còn 94,88% và đó là một trong số nguyên nhân khiến bệnh sởi "tái xuất". Theo tìm hiểu, có đến 40% số các ca mắc sởi do chưa được tiêm phòng và 12,5% chỉ tiêm phòng 1 mũi.
Tiêm vắc xin - cách phòng bệnh tốt nhất
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, có thể lây qua đường hô hấp, đến nay vẫn là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và là một trong số nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2010, trên thế giới, cứ mỗi 4 phút lại có một người chết vì bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai tiêm vắc xin. Cụ thể, tỷ lệ mắc sởi ở nước ta từ năm 1984 đến năm 2012 đã giảm 830 lần.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Tuy nhiên, cũng có thể chẩn đoán các trường hợp sốt phát ban khác nhầm với sởi. Sau khi mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng có thể gây mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt là với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, việc mắc sởi có thể dẫn đến sảy thai, đẻ non.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng cách tiêm vắc xin sởi. Thật đáng tiếc, thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm các vắc xin, bao gồm cả vắc xin sởi. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ.
Theo giới chuyên môn, vắc xin sởi được đánh giá là an toàn, phản ứng sau tiêm thường nhẹ, tự hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, nếu trẻ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi thì chỉ có 80-85% có đáp ứng miễn dịch; được tiêm thêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ được bảo vệ là 90 - 95%. Sau khi mắc sởi, hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì khả năng miễn dịch bền vững suốt đời. Khi mắc sởi, cần cách ly y tế, hạn chế tiếp xúc 7 ngày kể từ khi phát ban, đồng thời tiến hành tẩy trùng, làm thông thoáng nơi ở, làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.
Ngày 8-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 5-2, cả nước ghi nhận 621 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi, một số trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với sởi. Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương xảy ra dịch sởi cần tăng cường hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, điều trị. Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ trong việc rà soát, thống kê đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi, hoặc tiêm chưa đầy đủ để triển khai kế hoạch tiêm bổ sung. Việc tổ chức tiêm vắc xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hằng tháng hoặc được tổ chức vào một ngày riêng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.