(HNM) - Ngay sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) công bố hình ảnh về việc bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của Hải quân Mỹ tối 20-6, Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt kế hoạch cho quân đội nước này triển khai chiến dịch tấn công đáp trả.
Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cáo buộc Mỹ có hành động gây hấn nguy hiểm khi cho máy bay trinh sát không người lái (UAV) bay qua eo biển Hormuz ở chế độ tàng hình, cho thấy nó đang thực hiện chiến dịch do thám.
Ngày 21-6, Iran công bố các mảnh vỡ và hình ảnh liên quan tới chiếc UAV của Mỹ bị bắn rơi. |
Về phần mình, Washington khẳng định UAV bị tấn công vô cớ trong không phận quốc tế. Lý giải về việc rút lại lệnh tấn công Iran, Tổng thống Mỹ tiết lộ rằng, vụ tấn công có thể khiến 150 người Iran thiệt mạng - điều đó là không đáng so với việc một chiếc UAV bị bắn hạ. Người đứng đầu Nhà Trắng nhận định, việc bắn rơi chiếc UAV Mỹ không mang theo vũ khí và đang hoạt động trên không phận quốc tế không phải hành động cố ý và được thực hiện bởi người không biết kiềm chế. Tổng thống Mỹ cũng cho rằng "Iran đang phạm phải một sai lầm lớn".
Trước lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột giữa Mỹ và Iran, nhiều quốc gia trên thế giới ngay lập tức lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và cân nhắc kỹ để tránh những hậu quả đáng tiếc. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc Mỹ sử dụng vũ lực với Iran "sẽ là thảm họa cho khu vực" và hậu quả của hành động này "rất khó lường", đồng thời nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt Tehran là "vô lý".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, "tình hình hiện nay vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên giữ chừng mực và kiềm chế, tránh những hành động có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng". Bắc Kinh cũng cảnh báo công dân của mình ở Iran nên tăng cường các biện pháp an toàn và khẩn cấp sau vụ Iran bắn hạ máy bay trinh sát không người lái RQ-4N của Mỹ.
Sự lo lắng này là dễ hiểu bởi sau sự cố tàu chở dầu, Mỹ đã phê duyệt kế hoạch tiếp tục tăng cường thêm 1.000 binh sĩ tới các căn cứ ở Trung Đông nhằm "phòng thủ trước mối đe dọa từ trên không, mặt đất và mặt biển" từ phía Tehran; đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ các đồng minh và đối tác toàn cầu nhằm tăng cường bao vây, cô lập Iran. Như vậy, việc Iran bắn hạ chiếc UAV của Mỹ là hình ảnh "giọt nước tràn ly" về những căng thẳng đang ngày càng nóng bỏng tại khu vực Trung Đông.
Giới chuyên môn nhận định, ngoài ý nghĩa cảnh báo đối với Washington, vụ bắn hạ UAV của Mỹ còn giúp Iran thể hiện rõ năng lực quốc phòng của mình. Vũ khí được quân đội Iran sử dụng là tổ hợp phòng không tầm trung Raad (sấm sét) do Iran tự phát triển với chi phí rẻ hơn nhiều RQ-4N Global Hawk của Mỹ (khoảng 176 triệu USD/chiếc). Raad có đặc điểm chiến đấu tương tự nhưng trội hơn hệ thống tên lửa Buk-M2EK do Nga phát triển và là công cụ chuyên dùng để tiêu diệt tiêm kích, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình và các loại bom thông minh.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng vừa qua giữa Mỹ và Iran rất đáng lo ngại. Cho dù chưa xảy ra chiến tranh nhưng nó tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc đối đầu bằng quân sự. Và nếu cuộc chiến xảy ra, Washington lại phải theo đuổi một cuộc phiêu lưu quân sự mới tại Trung Đông. Khi đó, nguy cơ mất an ninh năng lượng sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu, gây ra những hậu quả khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.