(HNMCT) - Tích trữ thực phẩm là thói quen của nhiều gia đình. Thế nhưng, việc làm tưởng như bình thường này lại tiềm ẩn nguy cơ. Trong những ngày giãn cách xã hội, hãy trữ thức ăn vừa đủ để ít phải ra khỏi nhà nhưng không nên tích trữ vì lo thiếu thực phẩm.
Tiềm ẩn nguy cơ
Tích trữ đồ ăn là chủ đề nóng trong những ngày giãn cách xã hội. Mặc dù siêu thị, chợ vẫn mở cửa với nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm nhưng bắt nguồn từ tâm lý lo lắng, nhiều chị em vẫn đổ xô đi mua sắm thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, đồ khô để tích trữ. Tuy nhiên, thực phẩm để lâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Củ quả thường để được lâu hơn rau xanh, tuy nhiên, dưới tác động của không khí, nhiệt độ, độ ẩm, nhiều loại củ, quả sẽ mọc mầm hoặc hỏng một phần nếu tích trữ lâu. Khi đó, nếu vì tâm lý “tiếc của” mà ăn thực phẩm này thì có thể dẫn đến hậu họa cho sức khỏe. Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đã chế biến để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn. Việc tích trữ đồ ăn chật cứng trong tủ lạnh có thể khiến khí lạnh không thể lưu thông, tủ lạnh sẽ bị nóng lên và các vi khuẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ phát triển.
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho hay, mọi loại protein (có trong thịt, cá, trứng, sữa...) nếu bảo quản không tốt, bị vi sinh vật tấn công sẽ sản sinh ra những độc chất như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng. Do đó, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài sẽ gây mất an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Với thực phẩm khô như đậu nành, lạc, hạt điều, ngô..., nếu không được xử lý và bảo quản đúng cách thì khi tích trữ lâu dễ bị nấm mốc, sâu mọt, vi khuẩn xâm nhập. Nhiều người do thói quen tiết kiệm nên không hủy bỏ thực phẩm bị mốc mà rửa và phơi nắng để sử dụng lại, điều này tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe.
Một số sai lầm cần thay đổi
Theo chuyên gia dinh dưỡng Cao Thị Hậu, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng, trong điều kiện mua sắm khó khăn, đông lạnh là phương pháp được khuyến khích để dự trữ thực phẩm. Để bảo quản đúng cách, khi trữ đông thịt cá nên chia nhỏ thành từng phần đủ ăn, tránh rã đông một lượng lớn rồi đông lạnh trở lại phần thừa, làm tăng nguy cơ nhiễm vi sinh. Trong ngăn đông, nên sắp xếp thực phẩm hợp lý, thực phẩm chín để trên, thực phẩm sống để dưới và tốt nhất là để khác ngăn, khác tầng để tránh nhiễm chéo. Nên bảo quản thực phẩm trong hộp có nắp đậy kín, ghi ngày để sử dụng theo thứ tự ưu tiên, đông trước dùng trước, đông sau dùng sau.
Việc mua sắm, tích trữ quá nhiều thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng không bảo đảm an toàn khi sử dụng, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia khuyên mỗi gia đình nên trữ thực phẩm ở trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như là các loại thịt, hải sản... Còn các loại rau xanh và hoa quả thì chỉ nên lưu lại ở trong ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 4 ngày.
Cũng cần lưu ý đến nhiệt độ trong tủ lạnh. Nhiệt độ thích hợp ở trong ngăn mát tủ lạnh nên duy trì ở dưới 4oC, còn ngăn đá tủ các bạn nên để dưới -18oC. Ngoài ra, khi xếp thực phẩm, cần lưu ý để tủ có không gian để lưu thông, nếu thực phẩm chứa quá nhiều trong tủ lạnh cũng làm cho chúng chóng bị hỏng, mất đi độ tươi ngon và gây mất an toàn khi sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, lưu ý người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn để tích trữ. Khi mua thực phẩm tươi sống, nên chọn mua ở nơi uy tín, nơi đảm bảo nhiệt độ bảo quản an toàn, còn nhãn mác, rõ nơi sản xuất và thời hạn sử dụng. Với thực phẩm đóng hộp, ngoài xem kỹ thời hạn sử dụng thì cần chú ý không mua nếu sản phẩm bị phồng ở phần nắp hoặc thân hộp, vì khi đó rất có thể sản phẩm đã hỏng và mang độc tố gây chết người như Botulinum.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.