(HNM) - Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại nhiều địa phương vùng ngoại thành Hà Nội diễn ra khá nhanh, do vậy, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển từ huyện thành quận là xu thế tất yếu. Trước yêu cầu của thực tiễn, tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị.
Xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị không chỉ phù hợp với định hướng phát triển của thành phố mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, từ huyện trở thành quận, từ xã trở thành phường là một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Vấn đề không chỉ là hình thành các khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng đô thị; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp… mà còn là tạo dựng môi trường, phát triển các dịch vụ xã hội phù hợp…
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích hợp “hai trong một” - hợp nhất tiêu chí xã, thị trấn thành phường, huyện thành quận với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất. Phương châm thực hiện là sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, có sự kế thừa thành quả từ các giai đoạn phát triển trước, tránh đầu tư lãng phí trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều việc phải làm, từ điều chỉnh quy hoạch các phân khu đô thị đến nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí đô thị…
Trước mắt, để thực hiện mục tiêu đưa các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng trở thành quận trong giai đoạn 2021-2025, các cơ quan chức năng của thành phố và mỗi địa phương cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm cao hơn nữa...
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó, không chỉ là kết nối giao thông, xây dựng các công trình thương mại hỗn hợp, nhà phố cao tầng cho hoạt động kinh doanh, mà còn là tổ chức các không gian với công viên, cây xanh, khu chợ dân sinh, nơi trưng bày sản phẩm làng nghề… Các nhà quản lý, quy hoạch và người dân cần “bắt tay” chặt chẽ trong việc tạo dựng những không gian kiến trúc kết hợp hài hòa nét đặc trưng truyền thống với các yếu tố hiện đại của một đô thị.
Mặt khác, phải đẩy nhanh việc quy hoạch và triển khai phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa; các khu, cụm công nghiệp làng nghề; các loại hình dịch vụ gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái... Cùng với đó là tạo cơ chế huy động mọi nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn bảo đảm các tiêu chí đô thị như: Mật độ đường giao thông; đất cây xanh công cộng; tỷ lệ đường được chiếu sáng; tỷ lệ nước thải được xử lý… Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ từ thành phố, các địa phương cần chủ động, linh hoạt huy động các nguồn lực khác như đấu giá quyền sử dụng đất hay xã hội hóa các dự án đầu tư vì cộng đồng…
Tích hợp "hai trong một", xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí đô thị, chắc chắn thành phố Hà Nội sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ trở thành quận trong giai đoạn 2021-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.