(HNNN) - Khi giữ cương vị lãnh đạo thì càng nên tiết kiệm, tiết chế hành động của mình vừa để giữ mình vừa để làm gương cho người dưới trông lên học tập.
Hình vẽ một con gà trống đứng gáy trên nóc nhà, muốn chỉ sự đều đặn chừng mực. Con cá đang được nướng trên lò than, cần sự điều chỉnh có mức độ phù hợp để không bị cháy hoặc sống. Một con chó mấp mé trên miệng giếng, là nhắc nhở sự cẩn trọng, giữ mình, nếu không muốn bị sa xuống. Tiết hiểu đúng là tới hạn mà dừng, chính là sự điều tiết, kiềm chế. Tất cả mọi việc từ sức khỏe, quan hệ, cách sống đều cần có Tiết chi phối để không vượt quá mức cần thiết, ngăn chặn sự bất ổn phát sinh. Tuy thế, không nên chi ly tiết kiệm quá mức mà sinh bệnh hoặc thiệt hại cho bản thân.
Theo Kim văn, phần dưới chữ tiết có hình người quỳ gối, phần trên là hình tre trúc nên nghĩa gốc của nó là đốt cây trúc, chế ước, điều tiết, tiết chế, lễ tiết đều đúng. Quẻ này có triệu trảm tướng phong thần (chém tướng giặc phong thần). Màu sắc quẻ này là xanh lơ-tím biểu thị sự trầm giảm xuống, chùng nến và lạnh lẽo. Tiết phù hợp với đạo trung dung để giữ cân bằng. Trong đời sống con người, Tiết là có ý tự khống chế bản thân trước những sự việc liên quan tới tiền của, danh lợi, tình cảm và phù hợp với thực tế đời sống của mình. Vận dụng những nguyên lý của Tiết, chúng ta cần:
1. Phân biệt rõ thời điểm tiết chế và sự điều chỉnh đó cần phù hợp với kế hoạch hành động của mình. Khổng Tử thì đặc biệt nhấn mạnh đến việc tiết chế lời nói: Sinh ra vào thời loạn, thì lời nói phải có giới hạn. Vua không bí mật thì mất bầy tôi. Bề tôi không bí mật thì mất mạng. Làm việc không bí mật thì việc bất thành. Vì thế kẻ quân tử phải thận trọng khi nói ra. Dưới thời Hán Linh Đế, Dương Cầu giữ chức vệ úy trong cung, khi về nhà thường đem việc ở triều đình ra nói với vợ. Hễ nhắc đến tham quan Tào Tiết là lại nghiến răng nghiến lợi dọa sẽ có ngày nghiền nát bọn đó ra từng mảnh, rồi lại đến bàn chuyện với Lưu Hợp trước mặt vợ bé. Cô vợ thỉnh thoảng về thăm cha mẹ liền kể chuyện đó với bố là Trình Hoàng. Trình lại tiết lộ thêm với vài người nữa, cuối cùng chuyện đến tai Tào Tiết. Tào bèn lấy vàng bạc vừa mua chuộc, vừa ép Trình kể lại mọi chi tiết câu chuyện, rồi Tào đưa ngay nhân chứng đến tố cáo với Hán Linh Đế. Kết quả là cả Dương Cầu và Lưu Hợp bị bắt giam và chết trong ngục.
2. Trong khi kiềm chế lời nói cũng phải biết thay đổi linh hoạt cách nói cho phù hợp với trách nhiệm, tránh gây căng thẳng và hiểu lầm không cần thiết. Đời nhà Hán, có lần đang thiết triều, Hán Văn Đế quay sang hỏi Hữu Thừa tướng Chu Bột xem mỗi năm cả nước xét xử bao nhiêu vụ án? Chu trả lời không biết. Hán Đế lại hỏi mỗi năm tổng thu chi ngân khố quốc gia là bao nhiêu? Chu cũng không trả lời được. Hán Đế quay sang hỏi Tả Thừa tướng Trần Bình, Trần nói sẽ đi hỏi những người chuyên trách việc này. Hán Đế nổi giận quát, nếu việc gì cũng có người chuyên trách thì hai Thừa tướng phụ trách cái gì? Trần Bình điềm tĩnh thưa: Thần đội ơn bệ hạ coi trọng cho giữ chức Tể tướng. Chức trách của Tể tướng là trợ giúp cho hoàng đế, bên ngoài làm cho các nước ngoại tộc phải thần phục Hán triều, bên trong làm cho trăm họ các cấp đều có thể đảm nhận tốt chức vụ của mình. Hán Đế hài lòng với giải thích đó nên nguôi giận. Sau đó Trần Bình nhắc Chu Bột: Ông làm Tể tướng sao trả lời thế? Nếu hoàng thượng hỏi ông Kinh thành có bao nhiêu tên trộm cướp, chẳng nhẽ ông lại tâu lên một con số nào đó chăng?
3. Không chỉ trong các cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng cần sự điều chỉnh bản thân, mà ngay trong các việc đời thường cũng thực sự cần như vậy. Thời Đông Hán, có lần vào dịp Tết, nhà vua sai người đến nhà Thái học tuyên bố thưởng cho mỗi tiến sĩ một con dê để ăn Tết. Nhưng khi dê đưa tới nơi thì đủ loại to, nhỏ, lớn, bé, béo gầy không đều nhau nên viên quản lý Thái học rất khó xử, bèn mời các tiến sĩ đến bàn cách chia dê. Người chủ trương đem thịt tất số dê rồi chia đều nhau; người muốn gắp thăm nhờ vào may rủi, tranh luận mãi vẫn không được, học sĩ Chân Vũ đứng lên nói: Tốt nhất là mỗi người cứ dắt lấy một con dê, tôi dắt trước đây. Nghe thế, tất cả mọi người cùng quay lại nhìn chăm chú, có người còn lẩm bẩm: Nếu chọn dắt hết các con to thì các con nhỏ cho ai? Thế nhưng con dê mà Châu Vũ dắt đi lại là con gầy nhất, nhỏ nhất trong bầy dê!
4. Việc điều chỉnh quyết định đã đưa ra nhưng không phù hợp là cần thiết, nếu như nó có tác dụng và hiệu quả tốt hơn với công việc và con người. Không nên thi hành một quyết định vội vàng, không hợp lý. Thời Hán Đế Lưu Đạt, văn sĩ Chu Hy cùng một người bạn luận bàn về công và tội của tiên đế Lưu Triệt, không ngờ có kẻ nghe lén được dâng thư tố cáo rằng hai người đang phỉ báng tiên đế, chê bai triều đình hiện nay. Lưu Đạt bèn ra lệnh bắt giam cả hai và sai tra xét để luận tội. Chu Hy sợ không còn cơ hội để thanh minh, bèn viết thư nhận rằng: Công tội một đời của Hiếu Vũ hoàng đế trong Hán thư đều có ghi chép, chúng thần chẳng qua chỉ là bàn luận thêm vào cho sự thực mà thôi, không hề vu oan giáng họa, sao lại nói là phỉ báng được? Còn như bệ hạ kể từ khi lên ngôi đến nay, chính trị thông suốt, nhân dân hòa thuận, chúng thần làm sao dám châm chọc? Vả lại, nếu chúng thần có châm chọc thật, nếu những điều thần nói là có thực, thì bệ hạ nên tiếp thu và sửa đổi. Nếu như không đúng thì bệ hạ cũng nên khoan hồng độ lượng, không chấp nhặt, cần gì phải hỏi tội kia chứ? Lưu Đạt tự hiểu ra quyết định của mình vô lý, xuống lệnh không tra cứu nữa và phong cho Chu Hy chức Lam đài sử lệnh.
5. Khi giữ cương vị lãnh đạo thì càng nên tiết kiệm, tiết chế hành động của mình vừa để giữ mình vừa để làm gương cho người dưới trông lên học tập. Thời nhà Thanh, hoàng đế Đạo Quang nổi tiếng là tiết kiệm. Ngay khi mới lên ngôi năm đầu tiên, ông đã hạ lệnh ban hành Ngũ chế thanh sắc hóa lợi dụ gồm 1.000 từ nói tới sự nguy hại của sắc và tiền, lập ra những nguyên tắc cơ bản mà vua tôi phải tuân theo. Nhà vua không chỉ tự mình tiết kiệm, mà còn yêu cầu mọi người trong hoàng thất và toàn dân phải lấy tiết kiệm làm gốc. Ông cũng hạ chiếu nói về chuyện ma chay, cưới xin quá xa hoa, ảnh hưởng tới lối sống dân gian. Ông còn ban dụ cấm các quan lại ở các châu, tỉnh, huyện, xã ăn tiêu xa xỉ, hoang phí dẫn đến nguồn tiền mặt khó khăn. Trong triều đình, ông bắt giảm bớt quần áo, giảm bớt số lượng món ăn, thôi những nghi lễ rườm rà, cắt bớt người hầu và nghiêm khắc kiểm tra các vương tôn hoàng thất xem có thực hiện các yêu cầu đó không. Có nhiều dư luận bàn tán về vị vua này, người thì bảo ông bủn xỉn, người cho rằng ông là hoàng đế nhỏ nhen, tuy nhiên ông lại là vị vua được lịch sử ghi nhận là cần phải học tập vì hiểu rõ đạo lý: Lập nghiệp không dễ, giữ nghiệp lại càng khó hơn, nên vua chúa cần tiết kiệm, tránh xa hoa thì vương triều và đất nước mới thịnh vượng được.
6. Không nên đợi tới khi thái quá rồi mới tiết chế, mà phải biết cách hạn chế cái gốc của tội lỗi, tức là ham muốn. Lão Tử nói: Vô dục thì điềm tịnh, thiên hạ sẽ tự yên. Sách Lã Thị Xuân Thu chép, thời vua Nghiêu, Bá Thành Tử Cao được phong làm chư hầu. Khi Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền ngôi cho Vũ thì Tử Cao bỏ chức vị, về làm ruộng sinh sống. Vua Vũ tới thăm, thấy Tử Cao đang cày ruộng, bèn hỏi lý do tại sao lại bỏ chức vị về làm nông dân? Tử Cao đáp: Trước đây vua Nghiêu trị vì thiên hạ, hai tay đem cả thiên hạ trao cho người khác, đấy là không ham muốn, chọn người hiền mà trao chức vị thích hợp. Hành vi không ham muốn và công chính vô tư thiên hạ đều rõ. Đến đời vua Thuấn cũng vậy. Ngày nay, nhà vua thưởng công phạt tội khiến dân chúng sinh lòng ham muốn, đồng thời làm nhiều điều gian trá, nảy sinh tham lợi và tranh đua. Đức nhân từ đó suy bại, hình phạt tăng lên nhiều, tôi không nỡ nhìn thấy những chuyện như thế nên tìm nơi hoang dã để ở. Vậy nên Lão Tử kết luận: Tội ác lớn nhất không gì bằng thứ gây nên sự ham muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.