Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối khách hàng qua kênh thương mại điện tử

Thanh Hiền| 14/05/2023 07:04

(HNM) - Những năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và phát triển. Qua đó, mở ra cơ hội lớn và trở thành động lực quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng trên thị trường thế giới.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp tại Tuần lễ thương mại điện tử xuyên biên giới.  Ảnh: Minh Hải

Theo báo cáo do eMarketer công bố năm 2022, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng.

Còn theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế số Việt Nam.

Báo cáo mới nhất “Nền kinh tế internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek cũng cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế internet đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Dự báo trong giai đoạn 2022-2025, kinh tế internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Cần Thơ và nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử, tạo thói quen mua sắm đối với người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua thương mại điện tử.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Con số những doanh nghiệp đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng tăng và phần lớn doanh nghiệp đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Trần Thị Thanh Tâm cho biết, để hỗ trợ cho thương mại điện tử, thời gian qua đã có nhiều chính sách cho ngành này phát triển như: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở các khu vực và ngành nghề khác nhau (như tiền kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ...) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mà còn phải bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Để hạ tầng chính sách được hiệu quả đồng bộ, Quốc hội, Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm thống nhất các quy định liên quan đến thương mại điện tử. Việc này nhằm hướng đến mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối khách hàng qua kênh thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.