Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử giúp làng nghề “cất cánh”

Thanh Hiền| 31/10/2018 06:48

(HNM) - Sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính đang mở ra cho làng nghề nhiều điều kiện thuận tiện để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn để các làng nghề

Làng nghề sản xuất giày da Phú Yên (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) không ngừng thay đổi để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Bá Hoạt


Kênh bán hàng xuyên biên giới

Được đánh giá là nơi làm giày nổi tiếng nhất Hà Nội, làng nghề sản xuất giày da Phú Yên (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) khá nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, với nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng, có độ bền cao, giá thành phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng. Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên chia sẻ: “Dù được đánh giá là làng nghề phát triển của Hà Nội, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn phụ thuộc vào lái buôn. Các sản phẩm hiện chủ yếu bán trong nước và mới chỉ xuất được sang Lào, Campuchia".

Tương tự như làng nghề da giày Phú Yên, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston nức tiếng gần xa cả trăm năm nay. Ông Đào Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Luyến bày tỏ băn khoăn khi việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, chứ chưa xuất khẩu được.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới ước tính, đến năm 2020 sẽ có 50 tỷ thiết bị trên toàn hành tinh được kết nối, cùng thời điểm giá trị thị trường kinh tế do internet mang lại sẽ đạt khoảng 11.000 tỷ USD. Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính sẽ khiến cho thị trường của các sản phẩm làng nghề mở rộng hơn rất nhiều. Nếu như trước đây các làng nghề phải trông chờ vào các hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan nhà nước để gặp gỡ đối tác, thì bây giờ có thể dễ dàng tìm kiếm sản phẩm của các làng nghề bằng công cụ trên mạng internet. Cùng với đó, các làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số…; đồng thời, giúp tiết kiệm các chi phí trong hoạt động thương mại, giảm 5 - 10% chi phí sản xuất.

Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, giảng viên và chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là một giải pháp tối ưu, trong đó “Cá kho Vũ Đại” sử dụng các công cụ của Google để bán hàng xuất khẩu là một ví dụ điển hình cho các hoạt động này.

Cần xây dựng thể chế đồng bộ

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 198 làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm đã có mặt tại nhiều thị trường thế giới và được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, do về căn bản, thương mại tại làng nghề vẫn theo kiểu truyền thống. Theo GS.TS Hoàng Đức Thân - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thực tế thương mại điện tử còn rất hạn chế ở các làng nghề Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Sức ỳ và tâm lý ngại đổi mới cũng là một cản trở lớn khi áp dụng thương mại điện tử. Cùng với đó, sự hỗ trợ của Nhà nước cho thương mại điện tử phát triển làng nghề còn hạn chế, môi trường thương mại điện tử làng nghề còn nhiều bất cập đã cộng hưởng thêm không ít khó khăn cho làng nghề.

Để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử tại các làng nghề, GS.TS Hoàng Đức Thân kiến nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng nhiều chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình chủ động triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử như: Xây dựng website, mạng nội bộ; tự động hóa giao dịch và mạng extranet - thương mại điện tử tích hợp cấp độ cao.
Đồng thời, cần phát triển liên kết nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Vấn đề quan trọng là xây dựng thể chế đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, để từ đó làng nghề có thể mở rộng quan hệ với các đối tác kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bà Hà Thị Vinh - Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh (xã Bát Tràng) chia sẻ: “Trong suốt 30 năm làm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi hiểu ra một điều, nếu không hoàn thiện mình, không đầu tư các ứng dụng về khoa học và công nghệ thì sẽ không bước vào được thị trường”.

Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển ấy không phủ nhận việc bảo lưu giá trị cũ, đồng thời luôn đi cùng với sự tiếp nhận những thay đổi, giao thoa với xu thế chung của thế giới. Như khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, làng nghề vẫn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn đi đôi với phát triển làng nghề là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. Vì vậy, phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực này là phương thức có ý nghĩa quan trọng cho bảo tồn và phát triển làng nghề trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử giúp làng nghề “cất cánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.