Năm 2009, chúng ta tự hào về sản lượng hàng nông sản như cà phê, gạo, hạt điều, chè, cá tra... của Việt Nam tiếp tục đứng vào tốp đầu trên thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, xét về mặt chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm xuất khẩu, ta chưa có nhiều thương hiệu nông sản khẳng định được vị thế trên trường quốc tế trong năm 2009.
Thu hoạch hồ tiêu tại xã Yun, huyện Chư Sê (Gia Lai). Ảnh: TTXVN
Thừa sản phẩm, thiếu thương hiệuNăm 2009, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản nổi trội như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), cam Hà Giang, quýt Lạng Sơn, hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), sâm Ngọc Linh (Quảng Nam), nho Ninh Thuận, bơ Đắc Lắc, cá lăng Bắc Mê (Hà Giang)... Riêng lúa gạo mỗi năm đóng góp 50% sản lượng nông sản các loại và 80% sản lượng XK; nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh trên cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn với hơn 750.000ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2000 và nâng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Riêng nhóm mặt hàng cây ăn trái, Bộ NN&PTNT đã chọn 9 loại trái cây đặc sản như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn... để mở rộng trong năm 2010 lên 79.000ha, phấn đấu đạt sản lượng hơn 590.000 tấn.
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, có 110 nước tiêu thụ sản phẩm chè của nước ta. Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, năm 2009, giá chè của Việt Nam chỉ bằng 1/2 giá chè bình quân trên thế giới, 98% lượng chè xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Hiện nay, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 1.100 USD/tấn, trong khi giá bình quân thị trường thế giới là 2.200 USD/tấn. Bên cạnh đó, một số khách hàng của ngành chè Việt Nam tại Anh mua chè nguyên liệu về chế biến đã bán với giá khoảng 9.800 USD/tấn.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, có đến 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải mang thương hiệu nước ngoài. Nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như chè Thái Nguyên đã vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa nâng lên tầm quốc gia nên chưa được thị trường quốc tế công nhận. Việt Nam có niềm tự hào về bưởi, chè, cà phê, gạo… nhưng chỉ là lưu truyền trong dân gian, chưa có mặt hàng nông sản nào đạt thương hiệu quốc gia. Thống kê của Hội Nông dân Việt Nam năm 2009 cho thấy, qua điều tra 173 doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp mới có 36 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu trong nước và 5 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu tại nước ngoài.
Tự tin để hội nhậpCác DN sản xuất và xuất khẩu nông sản đều ngại nhắc đến việc xây dựng thương hiệu. Có thể tạm lấy số liệu điều tra của Hội Nông dân Việt Nam làm minh chứng. Trong số 173 doanh nghiệp được hỏi thì có 11,8% cho rằng quá thiếu nhân lực để tiến hành xây dựng thương hiệu và không ít doanh nghiệp sợ tốn kém cho việc này. Giải thích về thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp lý giải phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực yếu nên gặp khó khăn về tài chính và thủ tục để xây dựng thương hiệu.
Do sản xuất manh mún, thiếu liên kết nên nguồn nguyên liệu không đồng đều, chất lượng không ổn định, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường… Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Vấn đề nguồn nguyên liệu đầu vào để tạo sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao, giá thành ổn định đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận xét, muốn xây dựng thương hiệu nông sản cần phải xóa bỏ tâm lý "tiểu nông" cố hữu, thậm chí cả sự tự ti để hội nhập. Để phát huy được giá trị hàng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ vốn, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ sản xuất, chế biến, tăng cường tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Mặt khác, người nông dân cần có ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Trong tương lai, mỗi hộ nông dân cần làm chủ máy móc, công nghệ, có ý thức cao hơn trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, cải tiến bao bì, nhãn mác… nâng cao chất lượng hàng hóa, khẳng định thương hiệu danh tiếng cho nông sản.
Trong tương lai gần, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân cần kết hợp chặt chẽ hơn trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu. Việc khẳng định thương hiệu phải bắt nguồn từ cơ sở, từ chính những người nông dân làm ra sản phẩm đến các doanh nghiệp xuất khẩu… Để xây dựng được thương hiệu nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư cho công nghệ chế biến. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu bằng chất xám, trước hết phải xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật cao. Có như vậy, chúng ta mới khẳng định giá trị hàng hóa mỗi khi xuất khẩu. Khi đó, thương hiệu sản vật quốc gia sẽ được khẳng định trên thị trường quốc tế.