Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thượng đế” bị nhà xe “chém đẹp”

Hà Tuấn| 06/02/2015 06:06

(HNM) - Đã 2 tuần kể từ khi giá xăng, dầu giảm sâu (khoảng 35% so với thời điểm này năm 2014), nhưng theo báo cáo của các bến xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn có hàng chục doanh nghiệp vận tải hành khách (DN VTHK)


Phụ thu cao hơn giá vé 100% đến 200%...!

Cùng chung niềm vui được về quê ăn Tết, bạn Đoàn Quốc Việt (quê Hà Tĩnh), sinh viên ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, hồ hởi đến Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) mua vé tại quầy vé số 76. Thế nhưng, sau khi hỏi giá vé xe loại giường nằm Việt thật sự... “choáng”. “Ngày thường về Hà Tĩnh cũng loại vé này chỉ dao động từ 700 đến 800 nghìn đồng/người. Thế nhưng thời điểm này, nhà xe hét giá lên 1.455.000 đồng, xấp xỉ cao hơn 100% so với ngày thường” - Việt cho biết thêm: “Khi hỏi giá xăng dầu giảm mạnh sao lại giá vé không giảm, thì nhân viên nhà xe nói: Ngày cao điểm bù chiều chạy rỗng, nếu không đi thì tùy, mua ở đâu cũng thế thôi, thậm chí chả có vé mà đi”.

“Thượng đế” xếp hàng chờ nhận vé.



Ban đầu Việt dự tính về quê ngày thấp điểm (trước 20 âm lịch) nhưng nhà xe không có vé, trong khi giá vé ngày cao điểm hỏi đâu cũng gần như ngang nhau, điều đáng nói là đều cao ngất ngưởng. Đã thế, theo lời Việt, việc mua vé rất vất vả, tuyến xe từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Tĩnh đã hết vé, buộc Việt phải mua tuyến Nam - Bắc, sau đó dừng ở Hà Tĩnh. “Ngày thường nhà xe mời chào đon đả, đi đúng số tiền của từng chặng nhưng với ngày cao điểm giáp Tết thì các hãng xe chỉ bán chặng Bắc - Nam, thế là người dân đi về các tuyến đường địa phương đều phải chịu cảnh giá vé trên trời”, Việt than thở.

Nhiều hành khách đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để có một chỗ ngồi trên những chuyến xe, dù biết giá vé không quá “chát”. Vừa bước ra cửa vé hãng xe Hoàng Long, anh Nguyễn Mạnh Hoàng Tân (quê TP Vinh, Nghệ An), không giấu được tâm trạng bực bội: “Đi về Nghệ An nhưng phải chấp nhận đi chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, và giá vé thì “cắt cổ” với hơn 1,6 triệu đồng, hơn 100% so với ngày thường. Đã thế lại phải chấp nhận đi mà không có cách nào phản kháng hay lên tiếng, thật chỉ biết kêu trời!”, anh Tân bức xúc. Cám cảnh hơn, bà Trần Thị Liên (quê Thừa Thiên Huế) mua vé nhà xe Minh Phương với giá hơn 1 triệu đồng, trong khi những năm trước ngày cao điểm cũng chỉ xấp xỉ 700 nghìn đồng. “Tôi đã quần ở đây cả ngày rồi, nếu không mua thì sẽ có người khác mua, thậm chí ngay cả xe ủy thác cho bến xe bán xe (xe vào loại kém chất lượng - PV) cũng chẳng có vé mà mua. Có thể nói, chuyện mua vé xe về quê ăn Tết thì người dân luôn chịu thiệt thòi và sẽ là câu chuyện chưa biết bao giờ mới kết thúc, cho dù xăng dầu có giảm xuống bao nhiêu cũng thế, bởi đó là mùa làm ăn của các hãng xe, bởi “cầu” lớn gấp bội phần “cung”, bởi các mánh khóe của các hãng vận tải, bởi cơ quan chức năng cũng chỉ đưa ra các giải pháp tình thế… bà Liên nói.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, đến nay vẫn có đến 57/211 DN VTHK tại bến xe chưa chịu giảm giá cước. Bến xe đã có báo cáo cụ thể lên các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Thanh tra Sở Tài chính thành phố nói rằng, Thanh tra Sở kiểm tra giá cước tại 75 DN có đăng ký hoạt động trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi này (gồm: 20 DN taxi và 55 DN hoạt động vận tải tuyến cố định), đến nay vẫn còn 12 đơn vị chưa thực hiện kê khai giá theo quy định.

Cụ thể, Thanh tra Sở Tài chính cho biết, tại Công ty TNHH Thành Bưởi (266-268 Lê Hồng Phong, quận 5), Thanh tra Sở kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá vé tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Công ty này mới chỉ giảm giá cước 2 lần. Mức giảm cũng mới chỉ khoảng 8%, trong khi nếu chiếu theo giá xăng dầu giảm sâu như hiện nay thì DN phải giảm ít nhất 11-13% trong cơ cấu giá cước. Do đó, Công ty Thành Bưởi phải giảm lần thứ ba mới đúng theo quy định. Công ty Thành Bưởi vừa gửi bản kê khai giá vé với mức giảm đề xuất xuống còn 115.000 đồng/vé, cam kết thời gian giảm giá từ ngày 24-2 tới. Thế nhưng, thời điểm trên quá thời gian so với quy định, bởi việc kê khai, niêm yết giá cước phải gửi về Sở Tài chính trước ngày 30-1. Trong 5 ngày sau, việc giảm giá cước theo bảng kê khai có hiệu lực. Chúng tôi yêu cầu đến ngày 5-2, công ty phải thực hiện giảm giá vé theo quy định. Nếu không sẽ chiếu theo luật để xử phạt”, ông Bình khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, trong đợt kiểm tra trên, 2 đơn vị vận tải là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Tiến Oanh (274 Đồng Đen, quận Tân Bình) và Công ty TNHH Lữ hành Hạnh (199 Phạm Ngũ Lão, quận 1), đã bị lực lượng Thanh tra Sở phạt 15 triệu đồng do hành vi kê khai giá cước cao hơn so với quy định.

Cũng liên quan đến giá vé xe Tết, ngày 2-2, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh chủ trì đã phát hiện một số nhà xe đăng ký hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác ngoài TP Hồ Chí Minh không những không giảm giá vé mà còn tăng, thậm chí phụ thu 100% - 200% so với ngày thường.

Tẩy chay chỉ là giải pháp tình thế!

Từ hành vi “lờn thuốc” của các DN VTHK, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các DN vẫn còn nhìn nhau và chưa chịu giảm giá cước vì: Thứ nhất là rơi vào dịp cao điểm Tết nên nhu cầu đi lại của người dân quá cao, thậm chí thiếu xe đi lại và theo quy định cũng được tăng vé 20-60% để bù chiều chạy rỗng; thứ hai, giá nhiên liệu cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 cơ cấu trong giá vé nên giảm giá vé cũng không thể hiện nhiều; và cuối cùng, có thể do các hiệp hội vận tải liên kết với nhau để thống nhất mức giá chung, từ đó kéo theo mức giá vé giảm đều, giảm chậm.

Theo chuyên gia trong ngành, việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra biện pháp tẩy chay và không đi các hãng xe không giảm cước phí, cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Bởi thực tế, cứ mỗi dịp Tết đến, nhu cầu đi lại của người dân rất cao, trong khi các nhà xe luôn kêu thiếu xe, thiếu vé (“cầu” vượt “cung”). Đây là lý do để các nhà xe chậm giảm giá cước, thậm chí là tăng cước phí cao (dù giá xăng, dầu giảm sâu), còn người dân dù có “kêu trời” cuối cùng cũng phải chấp nhận bởi không có cách nào khác. “Đáng nói hơn, nhiều DNVT có thể “đánh hơi” được dấu hiệu giá xăng, dầu tăng, để rồi làm “động tác giả” giảm giá cước… “nhỏ giọt”, chờ khi xăng, dầu tăng thì giá cước lên cao vút.

Về nguyên nhân trên, cũng theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, phần lớn doanh nghiệp vận tải đăng ký ở tỉnh, thành phố khác. Đồng nghĩa, địa phương đó chấp nhận cho những doanh nghiệp này được giữ giá vé nên bến không thể can thiệp, mà chỉ tập hợp và báo cáo đưa lên phương tiện truyền thông để người dân biết và lựa chọn.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và các cơ quan quản lý Nhà nước về kê khai, niêm yết và điều chỉnh giảm giá cước vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô theo tuyến cố định khi giá nhiên liệu liên tục giảm, Bến xe Miền Đông chính thức công khai điểm danh các doanh nghiệp vận tải "chây ì" giảm giá cước nêu trên. Được biết, đến nay bến xe ghi nhận có 154 doanh nghiệp kê khai giảm giá trên tổng số 211 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại bến. Trong 57 doanh nghiệp còn lại không chịu giảm giá vé có một số hãng xe lớn như Hoàng Long (TP Hà Nội), Bình Tâm (Quảng Ngãi), Đạt Thành, Hoàng Hà, Tấn Hưng, Chín Nghĩa, Vận tải 27-7 Đông Hưng, Thiên Trang, Vân Nam, Mười Trang, Vận tải ô tô Hà Tĩnh…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thượng đế” bị nhà xe “chém đẹp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.