Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuốc tránh thai nào phù hợp với bạn?

Theo Khánh Vy| 28/07/2014 09:55

Có nhiều loại thuốc tránh thai khác nhau, mỗi loại lại có lợi ích và tác hại khác nhau, bạn cần tìm hiểu rõ các đặc tính này để việc sử dụng đạt hiệu quả tối ưu.

Cụ thể bạn cần cân nhắc 2 điều sau:

1. Có tiếp tục sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục? Khi sử dụng mọi biện pháp tránh thai khác, bạn vẫn nên dùng bao cao su.

2. Khả năng bạn quên uống thuốc có cao không? Bởi nó sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc. Bạn nên uống thuốc cùng một giờ vào mỗi ngày cho dù có sinh hoạt tình dục hay không.

Nếu được sử dụng đúng cách, thuốc cho hiệu quả tránh thai cao. Mỗi năm có khoảng 80% phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có thai ngoài ý muốn. Trong hầu hết các trường hợp đó, người phụ nữ quên không uống thuốc. Nhưng khi sử dụng đúng cách, chỉ 1/100 phụ nữ có thai ngoài ý muốn trong năm đầu sử dụng.

Bác sĩ Elizabeth Micks ở Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon cho biết: “Nó rất hiệu quả với những phụ nữ nhớ uống thuốc đều đặn vào cùng thời điểm”. Những biện pháp tránh thai không mất công như vòng tránh thai (IUD) và que cấy ngừa thai có tỷ lệ thất bại thấp hơn rất nhiều.

Ảnh: smh.


Nếu lựa chọn thuốc tránh thai, bạn có thể cân nhắc các loại sau:

Có 2 loại thuốc tránh thai chính: thuốc tránh thai kết hợp và thuốc progestin. Vỉ thuốc có thể dưới dạng 21 hay 28 viên. Chúng được phân loại dựa vào lượng estrogen và/hoặc lượng progestin.

Thuốc tránh thai kết hợp: Chứa cả hoóc môn estrogen và progestin. Hầu hết thuốc tránh thai là thuốc kết hợp. Chúng có hiệu quả ngang nhau nếu được sử dụng đúng cách. Chúng cũng có thể mang lại các lợi ích khác bao gồm:

- Có kinh đều hơn, ngắn ngày hơn, giảm đau, giảm lượng máu kinh.

- Có thể giảm chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt, giảm thời gian đau.

- Có thể giảm ra máu và giảm đau liên quan tới bệnh nội mạc tử cung và u xơ tử cung.

- Giảm mụn.

- Có thể giảm nguy cơ ung thư tử cung và ung thư buồng trứng.

- Có thể giảm nguy cơ bệnh viêm vùng xương chậu.

- Tăng cường kết cấu xương nhiều năm trước khi mãn kinh

Tất cả các loại thuốc tránh thai làm tăng nhẹ nguy cơ đau tim, đột quỵ và các cục huyết khối bắt đầu từ mạch máu ở bắp chân có thể di chuyển tới các phần khác của có thể - bao gồm phổi, có thể gây tử vong. Nguy cơ này tăng lên nếu người dùng hút thuốc sau 35 tuổi.

Phụ nữ hút thuốc sau 35 tuổi không nên dùng thuốc tránh thai kết hợp. Các nhân tố khác - như bị béo phì hay có tiền sử gia đình bị bệnh tim - cũng khiến khả năng bị huyết khối xảy ra.

Theo bác sĩ Sarah Prager từ trường Đại học Y Washington, “có từ 2 tới 4 phụ nữ trên 10.000 phụ nữ dùng thuốc có thể bị huyết khối không tử vong”. Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyên phụ nữ không nên dùng thuốc tránh thai kết hợp nếu có tiền sử bị huyết khối, đau tim hay đột quỵ.

FDA đã xem xét những nghiên cứu quan sát gần đây về một số loại thuốc tránh thai nhất định chứa drospirenone (loại progesterone hay progestin kết hợp), và kết luận rằng thuốc tránh thai chứa drospirenone “có thể liên quan tới nguy cơ huyết khối cao hơn các loại thuốc chứa progestin khác”. Các thuốc tránh thai chứa drospirenone bao gồm Beyaz, Gianvi, Loryna, Ocella, Safyral, Syeda, Yasmin, Yaz, và Zarah.

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin (gọi là thuốc mini). Những thuốc này được những bà mẹ đang cho con bú, những người có nguy cơ huyết khối hay bị những bệnh ngăn không cho họ hấp thụ estrogen sử dụng thường xuyên nhất

Nếu bạn không uống thuốc vào cùng một giờ mỗi ngày, thuốc không có hiệu quả. Uống muộn chỉ 3 tiếng cũng gây rụng trứng, dẫn tới khả năng thụ thai.

Thuốc này hiệu quả với phụ nữ đang cho con bú bởi chính việc cho con bú liên tục đã giúp tránh thai, và thuốc này chỉ cung cấp biện pháp an toàn bổ sung. Theo bác sĩ Andrew Kaunitz từ trường Đại học Y Florida ở Jacksonville (Mỹ): “Những bà mẹ đang cho con bú có khả năng thụ thai thấp hơn. Thuốc này có thể kém hiệu quả với những phụ nữ có khả năng thụ thai bình thường”.

Vỉ thuốc chứa những gì?

Thuốc tránh thai kết hợp có nhiều dạng, dựa vào sự thay đổi của nồng độ hoóc môn trong thuốc trong tháng.

- Thuốc monophasic (một giai đoạn) chứa cùng lượng estrogen và progestin trong tất cả các viên thuốc. Ví như thuốc Alesse, Loestrin, Ortho-cyclen, Seasonale, và Yaz. Mỗi viên thuốc trong vỉ là như nhau. Nếu bạn quên uống thuốc một ngày, bạn uống bổ sung ngay khi nhớ ra và sau đó uống viên tiếp theo theo đúng lịch hằng ngày.

- Biphasic (thuốc 2 giai đoạn) thay đổi nồng độ estrogen và progestin một lần trong toàn bộ chu kỳ rụng trứng. Ví dụ thuốc Kariva và Mircette Ortho-Novum 10/11.

- Triphasic (thuốc 3 giai đoạn) chứa 3 liều hoóc môn khác nhau trong thuốc. Nồng độ hoóc môn thay đổi 7 ngày mỗi lần trong 3 tuần đầu kỳ kinh có dùng thuốc. Ví dụ thuốc Cyclessa, Ortho Tri-Cyclen, Nortel 7/7/7, Enpresse, và Ortho-Novum 7/7/7

- Quadraphasic (thuốc 4 giai đoạn). Nồng độ hoóc môn trong thuốc này thay đổi 4 lần trong một chu kỳ. Natazia là thuốc quadraphasic duy nhất trên thị trường Mỹ.

So với thuốc không phân giai đoạn, thuốc nhiều giai đoạn có 2 điểm bất lợi

1. Khó sử dụng hơn. Thuốc càng chia nhiều giai đoạn trong một chu kỳ thì càng khó “sửa sai” khi bạn quên uống thuốc một lần. Hướng dẫn uống bù thuốc lại là khác nhau với từng loại thuốc.

2. Luôn sử dụng vỉ thuốc tiếp theo đúng quy định. Trừ thuốc Natazia, Kariva và Mircette, tất cả các chu kỳ thuốc nhiều giai đoạn đều có 7 ngày không hoóc môn - không dùng thuốc. Nếu dùng vỉ thuốc tiếp theo trong chu kỳ muộn nghĩa là bạn để hơn một tuần mà không có hoóc môn, dẫn tới nguy cơ có thai. Đây là lý do chính khiến nhiều phụ nữ có thai ngoài ý muốn khi sử dụng loại thuốc này.

Ngoài ra, còn có thuốc tránh thai có chu kỳ kéo dài, thuốc tránh thai chu kỳ liên tục:

Loại thuốc này nghĩa là bạn sẽ có ít chu kỳ kinh nguyệt hơn, thậm chí không có kinh nguyệt. Chúng bao gồm Introvate, Jolessa, Lybrel, LoSeasonique, Seasonale, và Sensonique.

Chị em có thể băn khoăn liệu việc không thấy kinh có phải là an toàn và lành mạnh. Khi người phụ nữ không uống thuốc tránh thai, kinh nguyệt sẽ xuất hiện sau khi rụng trứng, nhằm loại bỏ lớp nội mạc tử cung ra ngoài.

Mọi loại thuốc tránh thai, bất kể chu kỳ như thế nào, đều ngăn sự rụng trứng, do vậy lớp nội mạc tử cung không dày lên, thế là chẳng phải loại bỏ nội mạc tử cung ra ngoài. Vì thế, khi dùng thuốc tránh thai, dù bạn vẫn thấy ra máu vài ngày trong tháng, đó không phải là một chu kỳ kinh nguyệt thực sự.

Theo Kaunnitz, “phụ nữ thường cho rằng cứ ra máu là có kinh, nhưng trong trường hợp dùng thuốc tránh thai, đó chỉ là ra máu. Vì thế phụ nữ có thể dùng biện pháp tránh thai hoóc môn để giảm tần suất ra máu”.

Thuốc tránh thai có chu kỳ dài hơn sẽ giúp giảm tần suất ra máu và nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân nên dùng loại này.

Một số nhược điểm của loại thuốc này:

- Khả năng bị băng huyết cao hơn các loại thuốc khác.

- Khó nhận biết nếu có thai bởi bạn có ít hay không có kinh.

- Người sử dụng thường được các bác sĩ kê thêm giả dược để việc sử dụng không bị ngắt quãng dẫn tới quên dùng thuốc, do đó người dùng sẽ phải dùng nhiều hơn 12 vỉ mỗi năm.

Lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai

Một số tác dụng phụ bao gồm:

- Chảy máu nhẹ giữa các kỳ kinh, đặc biệt khi sử dụng các thuốc có lượng estrogen cao hơn và phải uống nhiều viên hơn trong chu kỳ.

- Buồn nôn.

- Đau ngực.

- Tăng cân.

Các tác dụng phụ này sẽ biến mất dần, do đó các bác sĩ phụ khoa khuyên bệnh nhân nên sử dụng một loại thuốc trong vòng 3-6 tháng trước khi ngừng do các tác dụng phụ này.

Không dùng thuốc tránh thai kết hợp nếu:

- Bạn có yếu tố nguy cơ bị đông máu, đột quỵ hay những bệnh tim mạch khác như phụ nữ trên 35 tuổi có thói quen hút thuốc lá.

- Bị ung thư vú hay ung thư gan, cho dù thuốc không có ảnh hưởng hay mang lại nguy cơ gây ung thư vú.

- Bị chứng đau nửa đầu Migrain kèm aura.

Hãy nhớ, mặc dù thuốc tránh thai giảm khả năng mắc bệnh viêm vùng chậu, nó không giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Khi bắt đầu sử dụng thuốc, thận trọng với các đơn thuốc khác và các thuốc không kê đơn. Các thuốc sau có thể gây ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc:

- Kháng sinh.

- Một số loại thuốc chống động kinh.

- Một số loại thuốc chữa HIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc tránh thai nào phù hợp với bạn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.