Không ít nhà sản xuất, phân phối, nhập khẩu thuốc tân dược đã và đang tung ra thị trường nhiều loại thuốc chữa bệnh kém chất lượng, gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng giải quyết xử lý đúng pháp luật…
Thuốc không nguồn gốc vẫn bán tràn lan trên thị trường.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi 31 loại thuốc (19 lô thuốc nhập khẩu và 12 lô thuốc sản xuất trong nước), rút số đăng ký của 24 mặt hàng (11 mặt hàng thuốc nhập khẩu và 13 mặt hàng do Việt Nam sản xuất), vì không đạt chất lượng. Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra thông báo thu hồi trên thị trường thành phố 12 lô thuốc (6 lô thuốc nhập khẩu và 6 lô sản xuất trong nước), 2 lô mỹ phẩm không đạt chất lượng, xử lý 7 mẫu dược liệu không đạt chất lượng. Trong số thuốc đó có 13 lô không đạt chất lượng về chỉ tiêu định lượng, 15 lô không đạt về chỉ tiêu độ hòa tan, còn lại là không đạt các tiêu chí khác như: đồng đều khối lượng, giới hạn tiểu phân, hàm lượng nước, nhiễm khuẩn. Ngoài ra, sau một năm thực hiện Thông tư 04, 09 của Bộ Y tế về giám sát chất lượng thuốc, Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội đã tổ chức kiểm nghiệm được 1.473 mẫu thuốc, trong đó có 1.107 mẫu lấy trên thị trường và 366 mẫu do các cơ sở gửi kiểm nghiệm. Qua kiểm nghiệm 350 mẫu thuốc nhập khẩu, phát hiện 12 mẫu không đạt (chiếm 3,4%), tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước không đạt chiếm 1,2% và trong số 42 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm có đến 12 mẫu không đạt, chiếm 28,6%. Đặc biệt, ngày 13-6-2011, Cục Quản lý dược đã có thông báo về thuốc kháng sinh Augmentin dạng bột pha siro loại hàm lượng 457mg/5ml sản xuất tại Anh và loại hàm lượng 156mg/5ml sản xuất tại Pháp bị các cơ quan quản lý của Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) thu hồi do nhiễm chất dẻo DIDP và DINP. Trong khi đó, loại thuốc kháng sinh Augmentin là thuốc quen thuộc và thường được các bác sĩ kê đơn khi trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm về hô hấp, tiêu hóa và đã được cấp phép, lưu hành trên thị trường Việt Nam. Trước đó, Cục Quản lý dược cũng đã đình chỉ lưu hành thuốc viên Captopril 25mg, lô số 911601, ngày sản xuất 20-4-2009, HSD ngày 19-4-2012, số đăng ký: VN-1748-06 do Công ty Hankook Kours Phamr.Co.Ltd., Korea sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre nhập khẩu và Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Phú Thành nhập khẩu ủy thác. Đây là loại thuốc được chỉ định dùng cho người bị bệnh huyết áp cao, suy tim, nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng. Rồi cả thuốc R.Tist, Ciprofloxacin… cũng không được lưu hành.
Thế nhưng, dạo một vòng qua phố chuyên bán thuốc tân dược Ngọc Khánh (Ba Đình), quầy thuốc tại cổng các bệnh viện: 103, Hà Đông, Bạch Mai…, ở đâu cũng có thể mua được thuốc đã có thông báo thu hồi, cấm lưu hành một cách dễ dàng. Sau khi đưa ra tên của một số thuốc cần mua, chúng tôi đã được nhân viên của một cửa hàng thuốc ở phố Ngọc Khánh cho biết giá các loại thuốc đó: Augmentin loại 457mg/5ml 132.000 đồng/lọ; Captopril 25mg, 55.000 đồng/hộp; R.Tist 82.000 đồng; Ciprofloxacin 500mg 140.000 đồng… Nhân viên bán hàng còn nói, nếu mua nhiều thì cứ gọi điện sẽ được cửa hàng chuyển thuốc đến tận nơi khách yêu cầu. Chủ một cửa hàng thuốc tân dược tại cổng Bệnh viện 103 cho biết: "Mỗi khi có thuốc nào đó bị thu hồi, cửa hàng thuốc đều nhận được thông báo. Tuy nhiên, thông tin đó chỉ để tham khảo chứ còn thuốc đã bán cho khách hàng rồi, biết họ ở đâu mà thu hồi. Hơn nữa, các loại thuốc bị đề nghị thu hồi, nếu cửa hàng thuốc nào cố tình bán thì cũng chẳng sao, vì có thấy ai đến kiểm tra đâu?". Hơn nữa, theo quy định, khi nhận được thông tin về tên thuốc bị yêu cầu thu hồi, các cửa hàng thuốc phải có bảng đề tên thuốc, tên công ty sản xuất với các thông số như hàm lượng, chỉ tiêu định lượng, số lô sản xuất, số đăng ký thuốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng… một cách rõ ràng giúp người bệnh, người tiêu dùng có thể căn cứ vào đó để lựa chọn loại thuốc phù hợp. Song, vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng thuốc đã cố tình bỏ quên, không thực hiện đúng các quy định, khiến người mua dễ bị nhầm lẫn và mua phải thuốc đã bị đình chỉ, thuốc kém chất lượng là điều khó tránh khỏi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.000 điểm bán lẻ thuốc, nhưng nhân lực phục vụ cho công tác thanh - kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Mặc dù vậy, việc phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không có nguồn gốc, thuốc kém chất lượng luôn được ngành ưu tiên hàng đầu. Để phòng, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Sở Y tế Hà Nội rất mong nhận được sự phối hợp của nhiều ban, ngành, cơ quan kiểm nghiệm cũng như chính các nhà sản xuất, các doanh nghiệp phân phối sản phẩm.
Điều đáng nói, những con số nêu trên thực chất mới chỉ lột tả được "tảng băng nổi" về chất lượng của các loại thuốc trên thị trường hiện nay. Trên thực tế có tình trạng thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc bán lẻ không đạt chất lượng, nhưng khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các lô thuốc đó ở các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, thì thuốc vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng, chỉ khi lấy mẫu mang về kiểm nghiệm kỹ lưỡng mới phát hiện ra sai phạm. Ngay cả những thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, được coi là ít tác dụng phụ, nhưng nếu các thuốc này được sản xuất từ dược liệu đã bị chiết hết hoạt chất, không bảo đảm chất lượng, lại được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp, xông, sấy bằng lưu huỳnh…, thì rất nguy hiểm đến sức khỏe của con người. Do vậy, để người tiêu dùng không mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc giả, tránh tình trạng "tiền mất, tật mang", phụ thuộc rất lớn vào lương tâm, trách nhiệm vì cộng đồng của người bán thuốc. Mặt khác, khi mua thuốc người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm đến những quầy thuốc có uy tín; đồng thời, khi mua, nếu là vỉ thuốc, hãy lắc và nếu thấy bị dính, bạc màu…; còn thuốc nước, thấy bị đóng cặn, có váng mốc…, thì không nên mua, sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.