(HNM) - Những bất cập về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; nạn tham nhũng tiêu cực; tình trạng đầu tư dàn trải, chất lượng thấp ở nhiều địa phương… đã làm nóng phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước, ngày 7-6, của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.
Mặc dù các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, song nhiều ĐB cũng chỉ rõ những yếu kém nội tại của nền kinh tế cần nhanh chóng được khắc phục.
Những "quả đấm thép" đang tan chảy?
Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2011 phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, song với những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ, kinh tế nước ta vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong số 22 chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu do QH giao năm 2011, 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kết quả này đã góp phần giữ ổn định đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh những mặt tích cực, các ĐBQH cũng chỉ ra những "mảng tối" của nền kinh tế với không ít bất cập cần tập trung tìm hướng giải quyết.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị): Những “quả đấm thép” của nền kinh tế, hiện đang “tan chảy”. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Theo ý kiến của ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), dư luận xã hội và cử tri đang đặc biệt quan tâm đến thực trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vốn được coi là những "quả đấm thép" của nền kinh tế hiện đang "tan chảy". Sau Vinashin là Vinalines, mỗi DN đã làm thất thoát nhiều tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân. Thực trạng này phải chăng là do Nhà nước đã quá nuông chiều các "công tử", sẵn sàng cung ứng "bầu sữa" ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét năng lực thực sự của các DN này. Mỗi khi các "công tử" hoạn nạn, Nhà nước lại mở hầu bao quốc gia để giải cứu khiến nhiều DNNN không mặn mà cổ phần hóa vì muốn bao cấp dài dài.
Cùng quan điểm này, ĐB Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) cũng cho rằng, mặc dù đã được hưởng những gói cứu trợ của Chính phủ, song các DN nhỏ và vừa vẫn vô cùng khó khăn và ít có cơ hội "hồi sinh" trở lại sau suy thoái kinh tế. Trong khi đó các DNNN lại được tập trung đầu tư, nhưng ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém, nhất là khâu quản lý gây thất thoát quá nhiều. Qua thanh tra, kiểm tra tại một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã phát hiện những lỗ hổng rất lớn. Vì vậy, cần phải xem xét thấu đáo xem thực trạng này có phải là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế suy giảm hay không?
Nhận xét về thực trạng thất thoát vốn nhà nước tại DN, ĐB Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế) đã so sánh, theo báo cáo của Chính phủ, sau 5 năm triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các bộ, ngành, cơ quan TƯ đã tiết kiệm hơn 5.300 tỷ đồng; các DNNN tiết kiệm hơn 13.700 tỷ đồng; tổng hợp từ 53 tỉnh, TP thì tiết kiệm được hơn 12.700 tỷ đồng. Nhưng nhìn vào thực tế sẽ thấy tình hình lãng phí rất đáng lo ngại. Vụ Vinashin làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng làm xôn xao dư luận chưa qua, thì vụ thất thoát ở Vinalines lại đang được đưa ra ánh sáng và không biết tới đây sẽ là đơn vị nào?
"Kê đơn" chống tham nhũng, lãng phí
Bên cạnh những băn khoăn về tình trạng thất thoát vốn nhà nước tại DN, nhiều ĐBQH đã nêu ý kiến về nạn tham nhũng, lãng phí đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Theo ĐB Lê Như Tiến, nạn tham nhũng có mặt ở nhiều nơi với nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước. Các "mảnh đất" màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở là lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, đã có hơn 365.000ha đất bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích. Nhiều dự án bị "treo" xuyên thế kỷ của 10.796 tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Việc trao quyền gần như tuyệt đối cho người đứng đầu các cơ quan trong việc định đoạt đất đai đã làm nảy sinh tình trạng tham nhũng. Trong khi đó, các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục lại trong tình trạng thiếu đất nghiêm trọng.
Dưới một góc nhìn khác, ĐB Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế) lại đưa ra những con số đáng phải suy nghĩ về thực trạng lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Thời gian qua, không ít công trình sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách xuống cấp quá nhanh sau khi đi vào sử dụng. Một số công trình xây xong thậm chí không được sử dụng hoặc xây dựng nửa chừng rồi… quên luôn. "Nhiều công trình chợ ở một số địa phương xây xong nhưng không có người buôn bán mà để trâu, bò vào ở. Một số công trình thủy lợi chỉ tưới tiêu được 15-20% theo thiết kế. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở những công trình cấp địa phương mà ở cả những công trình do cấp bộ quản lý" - ĐB Đồng Hữu Mạo cho biết.
"Kê đơn" chống tham nhũng, lãng phí, ĐB Lê Như Tiến đã nêu ra đáp án: Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, ĐBQH Nguyễn Phú Trọng (đoàn Hà Nội), Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, phòng chống tham nhũng lần này TƯ quyết tâm cao, biện pháp đủ rồi, cắt thuốc trúng rồi song còn băn khoăn lo là liệu có chịu "uống thuốc" không và có uống "đủ liều" không. Còn ĐBQH Trương Tấn Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch nước khi tiếp xúc với cử tri và trả lời về phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh, chức vụ càng cao thì sự chuyển biến về nhận thức và hành động càng phải cao; chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao. Đây cũng chính là những nhận định đáng suy ngẫm để đưa ra "đơn thuốc" hiệu quả nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém đang tồn tại trong nền kinh tế hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.