Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thước đo sự đồng lòng của hệ thống chính trị

Hương Ly| 30/07/2022 06:26

(HNM) - Những tháng đầu năm 2022, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động theo phương châm thiết thực, hướng về cơ sở, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả triển khai công tác dân vận là thước đo sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, qua đó phát huy mạnh mẽ sức mạnh nhân dân, củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Cán bộ dân vận phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Quang

Hướng về cơ sở

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, 6 tháng đầu năm 2022, các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh, thành phố đến cơ sở đã ban hành 440 nghị quyết, 485 chỉ thị, 2.508 chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống dân vận tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chuyển trọng tâm về cơ sở, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ngày càng thiết thực, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, củng cố niềm tin và là cầu nối giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Tại thành phố Hà Nội, công tác dân vận bám sát chủ đề công tác năm của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu ban hành Quyết định số 2387-QĐ/TU ngày 24-1-2022 của Thành ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố”. Cùng với đó đã chỉ đạo hệ thống chính trị ở cơ sở phát huy vai trò của gần 5.000 tổ dân vận cấp thôn, tổ dân phố trong công tác nắm, dự báo tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; duy trì thành quả phòng, chống dịch Covid-19...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố đã phối hợp tổ chức 7.716 cuộc giám sát, 590 cuộc phản biện xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022, cung cấp những thông tin hữu ích, khuyến nghị xác đáng phục vụ sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; góp phần tạo đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương và thành phố. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố triển khai sâu rộng phong trào thi đua trong các cấp hội, trao tặng 48 mái ấm tình thương, hoàn thành 231 đoạn đường, tuyến phố bích họa, nở hoa, kiểu mẫu; ra mắt 18 mô hình phụ nữ ứng xử đẹp… Hội Cựu chiến binh thành phố vận động hội viên tham gia các phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Dân vận khéo”. Thành đoàn Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến dịch “Tình nguyện hè 2022”, “Tiếp sức mùa thi”…

Chủ động đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2022 cũng còn một số hạn chế. Đó là một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa kịp thời triển khai văn bản về công tác dân vận hoặc việc triển khai chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong tôn giáo ở một số địa phương còn hạn chế. Kết quả xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, nhất là trong giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Công tác nắm tình hình nhân dân, tình hình tôn giáo, dân tộc còn bị động, lúng túng; khả năng dự báo tình hình, kỹ năng tham mưu giải quyết những tình huống cụ thể ở cấp cơ sở một số nơi còn yếu…

Nhấn mạnh những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị hệ thống dân vận cả nước tiếp tục tham mưu với cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đại hội các hội, đoàn thể. Đặc biệt, Ban Dân vận các cấp cần chủ động dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy chủ trương, giải pháp về công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu tình hình mới…

“Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chuyển trọng tâm về cơ sở, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Ban Dân vận các cấp cần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực một số Ban Chỉ đạo về công tác dân vận, tôn giáo, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các chương trình phối hợp công tác”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thước đo sự đồng lòng của hệ thống chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.