(HNM) - Sau nhiều năm tham gia chương trình xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tổ chức, năm 2013 Việt Nam đứng thứ 116/177 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng 7 bậc so với năm 2012.
Kết quả này không gây bất ngờ đối với các cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN) vì năm 2013 nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, từng bước đẩy lùi tham ô hối lộ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tuy nhiên, so với quyết tâm PCTN của Chính phủ, Quốc hội, thành quả đạt được còn khiêm tốn…
Đất đai là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Ảnh: Khánh Nguyên |
Tăng bậc, chưa tăng điểm
Theo TI, bảng xếp hạng năm nay có tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả điều tra cảm nhận về tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế công. Các quốc gia được xếp hạng theo thang điểm từ 0 (mức độ tham nhũng cao nhất) đến 100 (mức độ tham nhũng thấp nhất). Trong danh sách các nước được cảm nhận là trong sạch nhất, Đan Mạch và New Zealand đồng hạng nhất, với 91 điểm. Việt Nam được 31 điểm, đứng thứ 116, tăng 7 bậc so với năm 2012. Tuy tăng bậc nhưng số điểm không thay đổi so với năm ngoái. So sánh với các nước ở khu vực Đông Nam Á, nước ta xếp thứ 7 sau Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Thailand và Indonesia. Đáng nói, theo kết quả xếp hạng, Việt Nam nằm trong 69% quốc gia, vùng lãnh thổ đang phải đối mặt với hiểm họa tham nhũng ở mọi cấp, từ việc cấp giấy phép ở địa phương cho đến việc thi hành luật và quy định của pháp luật.
Nhận định này trùng với một phần kết quả đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi xem xét báo cáo Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013. Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham ô, hối lộ chưa giảm. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê cho các doanh nghiệp, băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội "đen" trên một số lĩnh vực: Khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách... Nhiều vụ việc ngang nhiên vi phạm nhưng cơ quan chức năng ở một số địa phương không xử lý được.
Ở một góc nhìn khác, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, công tác PCTN năm 2013 chưa đạt được kết quả như mong muốn do vẫn còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Còn theo phân tích của Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, trước đây cán bộ phải vào nhà dân để lấy thông tin đánh địch, giờ, nhân dân đóng thuế góp phần trả lương nuôi cán bộ nhưng dân gọi điện thoại phản ánh tiêu cực, cán bộ thực thi công vụ thấy số lạ không nghe, làm giảm niềm tin của người dân vào công cuộc PCTN. Bên cạnh đó, người dân cho rằng, phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước, người dân tố cáo tham nhũng có thể bị trả thù và làm nguy hại đến người thân của họ. Vì vậy, chỉ khi hành vi tham nhũng có liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người tố cáo thì họ mới phải tố cáo.
Chế tài chưa đủ mạnh
Bất cập nêu trên cho thấy, công cuộc PCTN cần nhiều giải pháp mạnh hơn nữa. Mặt khác, với cách đánh giá của TI, với cách phòng, chống và xử lý tham nhũng theo chế tài hiện nay, Việt Nam khó đạt kết quả cao khi tham gia xếp hạng. Nếu tiếp tục tham gia khảo sát Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014 và quyết tâm nhắm tới đích cao hơn, Việt Nam cần nghiên cứu, vận dụng các kỹ thuật, phương pháp của TI vào công tác đánh giá tình hình tham nhũng, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về PCTN. Trong đó, cần có giải pháp bảo vệ người tố cáo, mạnh dạn tính đến phương án người có chức vụ, quyền hạn giàu bất chính sẽ bị tịch thu tài sản. Cụ thể, cần quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ, phần tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu.
Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, đã chuyển cơ quan hình sự 11 vụ với 3 đối tượng. Đồng thời đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng… Tuy nhiên, số lượng vụ việc bị phát hiện, bị điều tra, truy tố và xét xử chưa tương xứng với tình hình tội phạm tham nhũng thực tế. Điều đáng nói là số tiền, tài sản sai phạm phát hiện rất lớn nhưng kiến nghị thu hồi của các cơ quan chức năng chỉ khoảng trên 30%, số thu hồi được trên thực tế còn thấp hơn. Trong xử lý, cơ quan công tố áp dụng hình phạt chưa nghiêm, thiên về vận dụng tình tiết giảm nhẹ như cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ. Điều này đã và đang tạo nên một tâm lý chấp nhận phạm tội, chấp nhận đi tù để có được tài sản.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tình trạng làm giàu bất chính đang ngày càng nghiêm trọng nhưng chế tài xử lý không triệt để. Chẳng hạn, Luật PCTN chỉ quy định người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý theo quy định của pháp luật và đối với người ứng cử vào các cơ quan dân cử thì bị xóa tên trong danh sách ứng cử, người được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm. Tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập có nêu: Người có nghĩa vụ kê khai có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức… nếu kê khai sai. Những mức phạt trên không đủ sức răn đe. Vì vậy, muốn đấu tranh hiệu quả với tham nhũng, tham ô, lãng phí, lấy lại niềm tin của nhân dân cần những biện pháp mạnh cộng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và chính người dân.
Báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2013 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can tham nhũng… Đáng lưu ý, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn thấp… đã phản ánh chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng. Chưa kể, thực tế có lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động công ích nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có người 2,6 tỷ đồng/năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.