An toàn thực phẩm

Thực phẩm nhuộm màu: Nguy hại khôn lường

Xuân Lộc 18/08/2023 - 07:01

Hàng loạt các món ăn như chim rán, vịt quay, xôi, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô tự làm, nước giải khát... được nhuộm màu thực phẩm xuất hiện nhiều nơi trên thị trường. Mặc dù phẩm màu giúp cho thức ăn trở nên hấp dẫn, bắt mắt nhưng việc lạm dụng quá mức các loại phụ gia thực phẩm này lại là mối nguy hại khôn lường đối với sức khỏe người dân.

thuc-pham.jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, thành phần các chất phụ gia, phẩm màu ghi trên tem nhãn tại một cửa hàng ăn uống ở quận Thanh Xuân. Ảnh: Lộc Xuân

Thức ăn càng dùng nhiều hóa chất tạo màu thì càng độc hại

Mới đây, 4 người trong một gia đình bị ngộ độc sau khi ăn xôi tím dùng phẩm màu được tạo từ một loại cây cỏ không rõ nguồn gốc. Trong đó, 2 người có biểu hiện nặng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, 2 người còn lại do ăn ít, triệu chứng nhẹ nên được theo dõi tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện cho biết, 2 bệnh nhân nhập viện đều xuất hiện tình trạng vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm, đau bụng...; trong đó, nam thanh niên 24 tuổi có biểu hiện suy đa tạng, suy hô hấp nhanh, ô xy trong máu giảm sâu và được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một phụ nữ (44 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Người con trai thứ hai (12 tuổi) của nữ bệnh nhân này cũng điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng tương tự. Nữ bệnh nhân cho biết, đã mua 100g bột màu thực phẩm màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ, sau đó trộn với 50g bột cùng thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng hai con ăn nem vào bữa trưa trong 3 ngày. Ngay sau khi ăn vào trưa ngày thứ 2, bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu. Người mẹ và con trai thứ hai đã phải nhập viện cấp cứu, người con trai lớn ăn ít hơn nên không thấy biểu hiện gì.

Theo Bộ Y tế, danh mục quy định chất màu được phép sử dụng trong thực phẩm có 21 chất (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp). Việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt. Theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép với hàm lượng đúng quy định. Thế nhưng, điều lo lắng hiện nay là hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm để cho ra đời các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò, chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc bắt mắt.

Trước thực tế trên, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), những món ăn chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, nếu dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, vì giá thành các loại phẩm màu và hương liệu nguồn gốc tự nhiên khá cao nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận trong buôn bán kinh doanh dẫn đến việc lạm dụng quá mức các hóa chất tạo màu và tạo mùi hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm. Điều này sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe con người. Độc tính có thể nhẹ như nôn ói, đau bụng, nhức đầu, hay có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài.

“Bất cứ loại thức ăn nào, càng dùng nhiều hóa chất tạo màu thì càng độc hại. Trong đó, tùy vào liều lượng bao nhiêu và sử dụng trong bao lâu mới có thể đánh giá chính xác được mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

Kiểm soát chặt chẽ phụ gia, phẩm màu thực phẩm

Ngày nay, công nghệ tạo màu cho thực phẩm rất “tinh vi”, do vậy, bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt được đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là màu nhân tạo. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh dẫn chứng, nhìn vào một cốc chè bảy màu, thật khó để phát hiện phẩm màu nào độc hại và phẩm màu nào an toàn cho sức khỏe. Nếu cả bảy màu đó đều là phẩm màu hóa học thì đồng nghĩa với việc người sử dụng sẽ “rước” cùng lúc bảy chất hóa học vào cơ thể. Do đó, tốt nhất nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều màu sắc và có màu sắc sặc sỡ khi chưa biết chính xác nguồn gốc và mức độ độc hại.

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đưa ra khuyến cáo, các hóa chất phụ gia thực phẩm phải kiểm soát chặt chẽ mới có thể sử dụng an toàn. Mặt khác, người dân không nên dùng các hóa chất phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo. Người dân chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên, từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ… Không mua và không sử dụng các loại phẩm màu đóng gói lẻ không có nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng để chế biến thực phẩm. Ngoài ra, người dân cũng không nên dùng các loại cây cỏ không rõ nguồn gốc để tạo màu hay chế biến thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp, các chuyên gia y tế cho rằng, khi chế biến thực phẩm chỉ dùng các phẩm màu nằm trong danh mục được phép sử dụng với liều lượng cho phép. Mặt khác, phẩm màu phải có độ tinh khiết cao và cần ghi rõ thành phần của sản phẩm thực phẩm, ghi rõ tên phẩm màu. Còn với người dân khi chế biến thức ăn tại gia đình, tốt nhất là nên sử dụng các phẩm màu tự nhiên, đồng thời không nên ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, có màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng các hóa chất phụ gia thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm nhuộm màu: Nguy hại khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.