An toàn thực phẩm

Hội Nông dân thành phố tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm: Cần sự bền bỉ, đều tay để giữ thành quả

Bạch Thanh 10/08/2023 - 06:18

Với cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”, trong những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Dù vậy, để giữ thành quả, rất cần sự bền bỉ, đều tay trong triển khai cuộc vận động trên.

phu-xuyen.jpg
Giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng, nhà phân phối tại Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản an toàn huyện Phú Xuyên, tháng 8-2023.

Nông dân hưởng ứng tham gia

Hưởng ứng cuộc vận động này, ông Nguyễn Đức Thọ (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) đã chuyển từ sản xuất truyền thống sang trồng bưởi hữu cơ. Ông Thọ phấn khởi nói: “Để trồng bưởi theo hướng hữu cơ, chúng tôi không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ dùng phân ủ hữu cơ, các loại thuốc sinh học. Trồng bưởi hữu cơ tuy vất vả, nhưng đầu ra rất thuận lợi. Có nhiều người đến tận vườn để mua về ăn thử, thấy ngon tiếp tục gọi điện đặt mua”.

Tương tự, vùng trũng Phú Xuyên cũng đã trở thành vùng nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường. Tại nhiều thôn, xóm, nông dân đã “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sạch từ nguồn đất đến nguồn nước. Bà Đặng Thị Lan (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: “Chúng tôi đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu theo hướng hữu cơ: Bưởi hữu cơ, lúa hữu cơ, rau hữu cơ, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Đã 5 năm nay, 100% diện tích cấy lúa của địa phương không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau màu, cây ăn quả chỉ sử dụng một lượng thấp thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc theo quy định, hướng dẫn”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hồng, huyện Đông Anh Lê Quang Khải, hiện tại, hầu hết các mô hình do Hội Nông dân xã triển khai đều là những mô hình sản xuất an toàn, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Xã Nam Hồng trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp rau, củ an toàn cho các bếp ăn tập thể, chuỗi cung ứng rau an toàn trong và ngoài thành phố, với khối lượng lên tới hàng trăm tấn mỗi năm.

Tại huyện Phúc Thọ, trong 5 năm qua, thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”, các cấp Hội đã tổ chức được 139 hội nghị cho hơn 11.848 lượt hội viên nông dân về việc hướng dẫn sản xuất không sử dụng các chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Nông dân trên địa bàn huyện duy trì mô hình cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn sử dụng làm phân bón cho cây trồng tại xã Xuân Đình, Võng Xuyên và nhân rộng ra toàn huyện.

Không chỉ tại các huyện Đông Anh, Phú Xuyên, Phúc Thọ… cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn” đã được các cấp Hội xây dựng thành công những mô hình sản xuất sạch, phong trào xanh ở hầu hết các địa phương. Điển hình như mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn...; mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP tại các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm...; mô hình trồng cây ăn quả an toàn tại huyện: Đan Phượng, Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phúc Thọ; mô hình chế biến nông sản an toàn tại huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Sơn Tây, Sóc Sơn...

Để cuộc vận động trở thành phong trào lớn

Để cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn” đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, thành phố và các đơn vị liên quan cần tạo các chương trình giáo dục và tư vấn về an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất nông nghiệp sạch cho nông dân nhiều hơn nữa. Điều này giúp nông dân hiểu rõ hơn về tác động của việc sử dụng hóa chất và cách thức bảo vệ môi trường.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan, thành phố cần tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát hiệu quả để theo dõi quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Các cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ để thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. Đối với địa phương, huyện sẽ khuyến khích nông dân sử dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, như cảm biến, trí tuệ nhân tạo, hệ thống quản lý thông minh để giám sát quá trình sản xuất, chăm sóc cây trồng và động vật, từ đó hạn chế sử dụng hóa chất độc hại và tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng mạng lưới cung - cầu, bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm an toàn và ổn định cho nông dân, giúp họ tin tưởng và duy trì sản xuất an toàn.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội cùng với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh xây dựng chiến dịch quảng bá về thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của Hà Nội. Qua đó, giúp người tiêu dùng nhận thức và lựa chọn sản phẩm an toàn, tạo động lực cho nông dân duy trì việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Thị Thanh Nhàn, cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn” rất cần được triển khai bền bỉ, trở thành một phong trào rộng khắp đối với nông dân Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nông dân thành phố tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm: Cần sự bền bỉ, đều tay để giữ thành quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.