(HNM) - Tràn lan các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm nhãn hiệu Trung Quốc, thực phẩm không nguồn gốc, không hạn sử dụng, không thành phần… đang được bày bán một cách công khai tại các cổng trường. Những thực phẩm
Cần quản lý chặt chẽ các điểm bán hàng ăn tại cổng trường học. |
Bỏ qua… chất lượng!
Khảo sát qua các cổng trường từ mầm non, tiểu học, đến THCS, THPT, thậm chí cả công viên, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn Hà Nội, sẽ thấy vô số quán vỉa hè bày bán các loại ô mai, bánh kẹo, các loại kem gia công, nem chua rán, thịt xiên, phomai que, sữa chua… Bên cạnh những loại thực phẩm "tự chế", còn có các sản phẩm bánh, kẹo, bim bim… được đóng trong bao bì bắt mắt, in chữ Trung Quốc. Giá những mặt hàng này cũng vô cùng hấp dẫn, chỉ 1.000-5.000 đồng/túi. Thậm chí, trong những túi bánh, kẹo đó, nhà sản xuất còn khuyến mãi thêm tranh ảnh, hình siêu nhân, búp bê nhỏ xinh bằng nhựa. Nhờ đó, mặt hàng này càng thêm sức hút đối với trẻ em.
Chủ một quán cóc tại cổng Trường Mầm non Xe Lửa Gia Lâm (quận Long Biên) cho biết, đa số mặt hàng đều được nhập về từ chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, chợ Nghĩa Tân hoặc chợ Hàng Bè. Nếu đi lấy hàng tận gốc tại các địa chỉ này thì giá sẽ rẻ hơn. Còn nếu "lười" thì có thể nhập lại từ một số đại lý khác, họ có người giao hàng đến tận nơi. "Những mặt hàng như kẹo siêu nhân, kẹo mút, kẹo dẻo, thạch que, bim bim que… được các "thượng đế" nhỏ rất ưa chuộng. Chúng tôi chỉ quan tâm đến mặt hàng nào bán "chạy" thì nhập về chứ cũng chẳng biết gì về xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Bởi vì đa số mặt hàng đều in chữ Trung Quốc, có nhìn cũng chả hiểu gì" - Chủ quán cóc này thản nhiên cho biết.
Còn ngay trong công viên Thủ Lệ, những quầy hàng có bán xúc xích, nem chua rán, bánh khoai, bánh chuối, hoa quả dầm, xôi... cũng được các thực khách nhỏ tuổi lui tới khá đông. Bước vào một quán cóc gần cổng ra vào công viên, tận mắt chứng kiến khâu chế biến, rán nem đều ở chung trên một chiếc khay nhỏ không che đậy, mặc cho ruồi muỗi bu bám, người bán cũng không đeo găng tay vô tư bốc thức ăn bán cho khách, chúng tôi không khỏi giật mình. Thì ra, bấy lâu nay khâu tuyên truyền về ATVSTP đã không "thấm" tới những người kinh doanh các sản phẩm ăn vặt cho trẻ nhỏ tại các điểm vui chơi hay cổng trường. Tại cổng Trường Tiểu học Ái Mộ, chị Thu Hà, phụ huynh của hai cô con gái học lớp 1 và lớp 3 cho biết, dù biết những thực phẩm bày bán ở cổng trường không rõ nguồn gốc nhưng vì bọn trẻ thích nên chị vẫn mua cho con. Chiều nào sau khi tan học, chị cũng phải tạt qua hàng thịt nướng mua hai xiên thịt vì đây là món khoái khẩu của hai cô con gái.
100% không bảo đảm vệ sinh
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), 100% mặt hàng ăn uống kinh doanh trên xe đạp, xe đẩy hoặc quang gánh đều không bảo đảm ATVSTP cũng như chỉ số dinh dưỡng bổ trợ cho sức khỏe trong các thực phẩm "ba không" kể trên là không có, thậm chí ăn vào có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Bởi vì đa phần mặt hàng bày bán tại các cổng trường đều sử dụng các loại phẩm màu độc hại, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép. Nguy cơ gây ngộ độc nhiều nhất là do thực phẩm hàng rong bị nhiễm vi sinh, phẩm màu hóa học, hàn the... Thêm vào đó, các thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, rửa dụng cụ. Kết quả kiểm nghiệm của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy 70-90% mẫu thực phẩm trên bị nhiễm vi khuẩn E.coli và 40% bàn tay người chế biến bị nhiễm vi khuẩn này. Chính vì vậy, những quán hàng rong là một trong những nguồn gây ra ngộ độc thực phẩm, gây mắc phẩy khuẩn tả nhiều nhất tại cộng đồng. Thế nhưng, thực tế hiện nay, lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng và các điều kiện xét nghiệm thực phẩm còn chưa đáp ứng được hết các yêu cầu đặt ra nên vô tình đã tạo "điều kiện" cho các loại thực phẩm trên được bày bán công khai cho thực khách nhỏ tuổi.
PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, vấn đề dinh dưỡng học đường rất cần được cả xã hội nhìn nhận và quan tâm đặc biệt. Những thực phẩm dinh dưỡng bảo đảm vệ sinh, cung cấp đầy đủ chất lượng mới tạo ra những cơ thể khỏe mạnh về cả trí tuệ và thể chất. Chính sự thờ ơ, chấp nhận sống chung với thực phẩm "bẩn" của người dân là nguyên nhân khiến cho sự mất ATVSTP của thức ăn đường phố tồn tại và kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.