(HNM) - An toàn thực phẩm (ATTP) hiện đang là vấn đề
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP, ngày 9-5-2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.
- Người tiêu dùng đang "khủng hoảng" niềm tin về chất lượng nông sản, thực phẩm, trong khi Hà Nội có khá nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch theo chuỗi. Vì sao nông sản sạch của Hà Nội chưa khiến người tiêu dùng tin tưởng, thưa ông?
- Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị không chỉ có vai trò quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp mà còn quản lý được tận gốc vấn đề ATTP ở tất cả các khâu: Từ thu gom, sơ chế, chế biến và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Các sản phẩm sản xuất theo mô hình chuỗi đều được lấy mẫu giám sát an toàn của cơ quan chức năng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đã được kiểm định. Hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 18 mô hình sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi và 11 chuỗi rau an toàn. Đối với cung ứng thực phẩm an toàn, năm 2015, Hà Nội đã xây dựng được 6 chuỗi. Dự kiến, trong năm 2016 sẽ xây dựng 36 chuỗi sản xuất. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn chỉ đạo ngành nông nghiệp Hà Nội xây dựng điểm 2 chuỗi sản xuất rau và thịt từ đó nhân rộng trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời chương trình hợp tác với một số tỉnh, thành phố về cung ứng nông sản an toàn cho thị trường Hà Nội cũng đã được ký kết.
Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản theo chuỗi đang gặp nhiều khó khăn do chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa cao và người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng đã khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư. Thêm vào đó, việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan chức năng chậm triển khai. Chính vì vậy, muốn nhân rộng được các mô hình chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, trước mắt cần giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó.
Nhiều thông tin chính thức về nông sản sạch của Hà Nội chưa đến được với người tiêu dùng. Ảnh: Bá Hoạt |
- Có thể thấy ngành nông nghiệp Hà Nội đã sản xuất nhiều nông sản an toàn và đang được bán trên thị trường. Vậy theo ông lý do gì sản phẩm sạch chưa đến được với người tiêu dùng?
- Như tôi đã trao đổi ở trên, giá bán các nông sản an toàn sản xuất theo chuỗi cao hơn các sản phẩm thường, trong khi công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của ta còn hạn chế nên nhiều nông sản an toàn chưa đến được người tiêu dùng. Thực tế, hiện có một bộ phận nhỏ người sản xuất vì tư lợi, chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã gây mất niềm tin. Với người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức và có cái nhìn toàn diện về sản phẩm an toàn. Năm 2016, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu là 100% người sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, người quản lý, người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.
- Đưa sản xuất nông sản thực hiện theo chuỗi là việc làm bắt buộc để bảo đảm vệ sinh ATTP, Hà Nội triển khai xây dựng chuỗi theo hướng nào?
- Thực tế, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn theo các tiêu chí như VietGAP, GlobalGAP... Tuy nhiên, để sản xuất bài bản, đúng quy trình, ngành nông nghiệp Hà Nội đang xây dựng bộ tiêu chí về thực phẩm an toàn và xây dựng quy trình sản xuất an toàn. Hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX sẽ căn cứ vào đó để triển khai, phải ký cam kết không sử dụng các chất cấm, hay tồn dư thuốc BVTV theo quy định. Hà Nội sẽ tiến hành thực hiện theo lộ trình, trong năm 2016, 10% mô hình trồng trọt, chăn nuôi phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện kiểm soát chất lượng về vệ sinh ATTP; 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được giám sát dư lượng hóa chất độc hại. Để hoàn thành các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tới người sản xuất và tiêu dùng, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất. Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định để răn đe, đồng thời thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết.
- Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9-5-2016, trong đó chỉ rõ, tăng cường trách nhiệm quản lý về ATTP, vậy ngành nông nghiệp Hà Nội có hành động gì để tạo chuyển biến rõ nét với nông sản?
- Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP. Việc tuyên truyền có ý nghĩa rất lớn, vì vậy, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định, ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP. Đồng thời coi việc bảo đảm ATTP là một yêu cầu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới để kéo người dân và chính quyền vào cuộc. Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.