Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hư việc bán Giấy chứng nhận VietGAP?

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh| 08/07/2016 06:17

(HNM) - Mấy ngày qua, dư luận giật mình trước thông tin Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert bán Giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) với giá khoảng 90 triệu đồng...

Thu lợi bất chính?

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Bùi Thanh Hương cho biết, hiện có hai loại chứng nhận về cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất và sơ chế theo thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về “Quy định chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình VietGAP”. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng đáp ứng được các thủ tục theo quy định. Đến nay, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp, song đều trong dự án xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn của Hà Nội. Toàn bộ kinh phí để làm chứng nhận và giám định chất lượng đều do thành phố hỗ trợ.

“Trung tâm được thành lập 2 năm nay, nhưng chưa có đơn vị nào là hộ dân cá thể đến xin cấp Giấy chứng nhận VietGAP, bởi sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định. Ngoài ra, để chứng nhận VietGAP cho rau, bên cạnh khâu lấy mẫu, phân tích, để đánh giá tổng cộng 65 chỉ tiêu, đối với rau quả là 57 chỉ tiêu bắt buộc… nên chi phí chứng nhận VietGAP khá tốn kém. Thực trạng này dẫn tới nông dân không mấy mặn mà khi làm chứng nhận VietGAP” - bà Hương nói.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc HTX RAT Lĩnh Lam (quận Hoàng Mai) cho biết, hiện đơn vị có 100ha rau màu các loại, trong đó 61,5ha đã được ngành nông nghiệp Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT và 15,5ha đạt chứng nhận VietGAP. HTX mới chỉ đứng ra bao tiêu sản phẩm VietGAP cho hộ xã viên được 3 tấn rau/ngày, 15 tấn còn lại nông dân tự bán ra thị trường. Trong khi đó, chi phí để đạt chứng nhận VietGAP cho một vùng sản xuất bao gồm các chi phí như: Tập huấn nông dân, lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích… tốn hàng chục triệu đồng cho một vùng rau.

“HTX sản xuất, kinh doanh RAT cả năm chỉ lãi vài chục triệu đồng, không đủ để tổ chức hội nghị tập huấn, tham quan đầu bờ…, nếu gánh thêm các chi phí này, các HTX rất khó khăn. Trong lúc đơn vị đang loay hoay không biết tìm đâu ra nguồn lực để hoàn thiện thủ tục chứng nhận VietGAP lần 2, đành “vác rá” đi xin UBND xã, huyện và các đơn vị khác thì được tổ chức Syngenta hỗ trợ 80% các chi phí, HTX chỉ phải chi trả cho các chi phí chứng nhận lần 2 là 12 triệu đồng, nhưng vẫn khó” - ông Minh phân trần.

Theo ông Minh, bỏ tiền ra mua Giấy chứng nhận VietGAP khống với giá trên trời như việc chào mời của nhân viên Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert là không có. Có chăng chỉ là các cơ sở kinh doanh mua Giấy chứng nhận VietGAP để thu lợi bất chính từ việc “treo đầu dê bán thịt chó”. Do vậy, cơ quan chức năng cần điều tra rõ để có thông tin chính xác.


Hàng hóa đạt chuẩn VietGAP được phân phối tại Co.opmart


Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Những ngày qua, sau khi VTV24 phát phóng sự có hình ảnh một nhân viên kinh doanh - tự giới thiệu là của Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert, khẳng định để được chứng nhận VietGAP, quy trình chứng nhận là khoảng 3 tháng, thậm chí 4 tháng, nhưng có thể rút được xuống 1,5 tháng với một thủ thuật đơn giản gọi là “nhảy cóc”, 70% các khâu trong quy trình có thể được bỏ qua. Và để bỏ qua như vậy, công ty sẽ không ngại cấp khống một phần hồ sơ và chi phí cho việc này là 90 triệu đồng. Thông tin này đã gây hoài nghi trong dư luận.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cho biết, đơn vị đã cho thôi việc nhân viên nói trên và khẳng định 70 đơn vị đã được cấp chứng nhận VietGAP đều làm đúng quy trình. Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert không tham gia cả quá trình chứng nhận VietGAP, nghĩa là từ khi gieo trồng, xuống giống đến khi thu hoạch mà chỉ tham gia vào khâu cuối cùng trong quá trình chứng nhận. Điều này có nghĩa chỉ khi sản phẩm hình thành, đơn vị thẩm định hồ sơ do một đơn vị tư vấn khác thực hiện trước đó, nếu đủ điều kiện đơn vị này sẽ cấp theo đơn giá quy định của công ty theo kiểu “thuận mua vừa bán”?

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết, sau khi dư luận thông tin nhân viên Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert bán Giấy chứng nhận VietGAP, Cục Trồng trọt đã yêu cầu thanh tra công ty này và thông báo kết quả trước ngày 30-7-2016. “Nếu kết quả thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm, Cục Trồng trọt sẽ rút giấy phép và thậm chí đề nghị xử lý nghiêm công ty này. Trước mắt là phải thanh tra cụ thể sự việc, có vi phạm không và mức độ đến đâu mới đưa ra kết luận cuối cùng” - ông Trung cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư việc bán Giấy chứng nhận VietGAP?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.