Chiều 18-12, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững".
Báo cáo tại hội thảo, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, chỉ riêng giai đoạn 2021-2024, ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biết, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ, phí - lệ phí với tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã thực hiện miễn giảm, gia hạn khoảng gần 730 nghìn tỷ đồng.
Qua 4 năm, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí... đã giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thách thức, kích hoạt nội lực sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo động lực hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến thu ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về tài khóa của Nhà nước cho doanh nghiệp và người dân, vừa góp phần đảm bảo mục tiêu kế hoạch thu ngân sách trong giai đoạn 2021-2025.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, song song với các chính sách trên, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo ngành Thuế tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách. Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử.
Trực tiếp trải nghiệm dịch vụ của ngành thuế, ông Noguchi Daisuke, chuyên gia JICA (Nhật Bản) cho biết, hệ thống khai thuế điện tử nhằm nâng cao tiện ích cho người nộp thuế đạt mức độ không thua kém so với các hệ thống thuế điện tử của các quốc gia khác, đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh doanh toàn cầu.
“Tại Nhật Bản cũng có hệ thống eTax cho phép khai thuế và nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, việc cung cấp cổng thông tin trực tuyến cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thương mại điện tử đăng ký, khai báo và nộp thuế trực tiếp như tại Việt Nam là một bước đột phá chưa từng có ở Nhật Bản,” ông Noguchi Daisuke nói.
Đặc biệt, ông Noguchi Daisuke cho rằng từ năm 2024, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, một hệ thống đột phá sử dụng AI và dữ liệu lớn (big data).
Đánh giá cao công tác chuyển đổi số trong ngành Thuế là một phần quan trọng của chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ ra những điểm mạnh của ngành Thuế, như lộ trình chuyển đổi số cụ thể, việc áp dụng hóa đơn điện tử, triển khai hệ thống eTax và ứng dụng big data. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những hạn chế về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và trải nghiệm người dùng, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể là tăng cường minh bạch, có hướng dẫn cụ thể và triển khai chính sách thuế đơn giản, tăng cường đối thoại và tham vấn. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, như có các chính sách đặc thù về miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.