Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa trong chất vấn, giám sát của HĐND

Vũ Thủy| 21/02/2023 18:47

(HNMO) - Ngày 21-2, tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và hơn 270 đại biểu là Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố của cả nước.  

Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên.

Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chủ trì hội nghị.

Đổi mới giám sát để đáp ứng nguyện vọng của cử tri

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong giai đoạn tới; đồng thời, tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị.

Tuy nhiên, đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, trong bối cảnh đó, hoạt động của HĐND cũng còn một số tồn tại, hạn chế về chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026.

Cải tiến hoạt động giám sát để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

Tại hội nghị, thay mặt Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã phát biểu tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát, tái giám sát của HĐND các cấp”.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Nhấn mạnh Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước với quy mô, khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp nảy sinh, đối với hoạt động giám sát - là một chức năng quan trọng trong hoạt động của HĐND các cấp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Thường trực HĐND thành phố đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng bản lĩnh, thẳng thắn, thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của luật và tình hình thực tiễn của thành phố để giải quyết các vấn đề.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, những nội dung quan trọng trong hoạt động giám sát được nghiên cứu - tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội thời gian qua thể hiện ở hai nội dung:

Thứ nhất, hoạt động của HĐND các cấp, trong đó có hoạt động giám sát cần được nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là vai trò, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

Thứ hai, bám sát và thực hiện hiệu quả các quy định của luật và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đặc biệt là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, thiết thực nhằm tạo chuyển biến, chuẩn hóa, theo hướng đồng bộ, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến các địa phương. 

Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng đến HĐND các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn trên địa bàn toàn thành phố với gần 12.000 đại biểu tại các điểm cầu. Kết quả cho thấy, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND các cấp đã ngày càng bài bản, thống nhất, lan tỏa và có những chuyển biến rõ nét, chuẩn hóa trong lựa chọn nội dung, vấn đề, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện.

Để tăng cường thêm năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động HĐND các cấp trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm, chỉ đạo để thành phố Hà Nội sớm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Trong đó, quan tâm, nghiên cứu việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND Thủ đô. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định đưa việc thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa trong chất vấn, trong giám sát của HĐND là tiêu chí đánh giá cán bộ trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.

Nỗ lực hơn nữa, phấn đấu trở thành những cơ quan đại biểu thực sự gần dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, HĐND các cấp tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, phấn đấu trở thành cơ quan đại biểu thực sự gần dân, công khai, minh bạch, dân chủ và là cơ quan quyền lực nhà nước thực sự pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

HĐND phải giữ vai trò quan trọng trong đổi mới quản trị ở địa phương theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, từng bước rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của HĐND các thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhiều nhiệm vụ của HĐND cấp dưới đang dồn lên HĐND cấp tỉnh. 

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, HĐND lựa chọn và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm giúp chuyển biến mạnh mẽ tình hình cả về bề rộng, chiều sâu và chất lượng. Nghiên cứu và ban hành các nghị quyết về tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các nội dung Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, HĐND tập trung nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND theo hướng bảo đảm tính dự báo chính xác, lượng hóa được mục tiêu chính sách, các giải pháp và nhiệm vụ phải rất cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát. Xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2023 phù hợp, chặt chẽ và hiệu quả. Xây dựng các giải pháp thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực ở địa phương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, chủ động tham gia có hiệu quả các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong các hoạt động giám sát, khảo sát.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị, HĐND các địa phương nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực, uy tín của đại biểu HĐND các cấp gắn chặt với nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đại biểu HĐND. Đây là công việc quyết định thành bại, do đó, Thường trực HĐND các địa phương cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự chất lượng. Đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại biểu HĐND; xử lý nghiêm các trường hợp sa sút về phẩm chất chính trị, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân địa phương.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa trong chất vấn, giám sát của HĐND

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.