UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên phối hợp tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.
“Đề bài” cùng nhiều thông tin đã được Ban tổ chức đưa ra. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đề nghị, cần làm rõ thêm nhiều thông tin để có được những đáp án tốt nhất.
- Khi tìm hiểu về cuộc thi, nhiều kiến trúc sư cho rằng, chưa có đầy đủ thông tin về mực nước sông Hồng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của vấn đề này trong quá trình đề xuất ý tưởng quy hoạch công viên?
- Quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng không thể tách rời với các quy hoạch liên quan đến sông Hồng và mực nước sông Hồng.
Nhiều năm qua, có không ít cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế nghiên cứu và đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng đi qua trung tâm thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế, do gặp vướng mắc về quy hoạch. Tất cả các phương án quy hoạch từ trước tới nay chỉ vẽ đô thị xây dựng trên đất bên sông, không có thông tin mực nước sông Hồng.
Ngay Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các bản vẽ về đô thị, sử dụng đất rất nhiều nhưng thông tin liên quan đến nước chỉ có: “Đất mặt nước khoảng 3.244ha” (quy mô tổng diện tích đất 10.996ha). Trong khi mực nước sông Hồng chênh lệch giữa mùa lũ, mùa cạn rất lớn. Nếu như lũ lớn (năm 1971) nước mấp mé mặt đê thì diện tích mặt nước sẽ là 10.996ha; còn năm khô hạn (như năm 2015) nước sông cạn trơ đáy thì diện tích mặt nước chỉ còn 10-20% của 3.244ha.
Với cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, thông tin mực nước sông Hồng căn cứ từ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây là một thách thức lớn cho các bên tham gia đề xuất ý tưởng quy hoạch. Bởi nếu không rõ nước sông còn bao nhiêu thì không thể xác định hình thái, nhiệm vụ của khu vực bãi giữa và ven sông Hồng trước những biến đổi về thủy văn, khí hậu, thiên tai và các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, sinh thái... để tìm ra những giải pháp thích ứng.
- Theo ông, các ý tưởng thiết kế, quy hoạch khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng có cần lưu tâm đến những công trình đập dâng lấy nước trên sông không?
- Ngày 4-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời
kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó có nội dung “Xây dựng các công trình để dâng mực nước trên sông Hồng tại hạ lưu cống Xuân Quan và sông Đuống tại hạ lưu cống Long Tửu, để ứng phó với diễn biến hạ thấp mực nước trên hệ thống sông…”.
Thủ tướng cũng đã ký Quyết định số 50/QĐ-TTg, ngày 6-2-2023 phê duyệt “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát là bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước công bằng, hợp lý và từng bước phục hồi mực nước sông Hồng. Đây là nội dung quan trọng, làm căn cứ đề ra những giải pháp trong các đồ án Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Ngay cả khi các đồ án quy hoạch này đã được phê duyệt vẫn cần bổ sung, cập nhật. Như vậy, trong nghiên cứu đề xuất quy hoạch công viên tại khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng, nội dung các đập dâng lấy nước tại Xuân Quan, Long Tửu cần thiết được cập nhật bổ sung vào đề thi.
- Một nội dung chắc chắn nhận được sự quan tâm là quy hoạch bãi nổi giữa và ven sông Hồng có bố trí người ở không?
- Trong nội dung đề thi, cụm từ “nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, công viên nông nghiệp” được nhấn mạnh. Do vậy cần làm rõ, nông nghiệp trong công viên có phải bố trí nhà ở, cơ sở sản xuất, kho chứa nông cụ, nông sản, trụ sở… không? Có một ngôi làng nông nghiệp trong công viên không?
Theo tôi, với thực trạng cư dân trú ngụ không chính thức tại các khu vực này thì cần những giải pháp đề xuất phù hợp. Nội dung nghiên cứu đề xuất phải xác định rõ tính khả thi trong quản lý, khai thác đất đai, đầu tư xây dựng. Do đó, việc có hay không bố trí dân cư vào khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng cần được khẳng định rõ ràng, để các đề xuất quy hoạch bám sát đề thi nhưng cũng tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng đã được khởi động. Để các cá nhân, tập thể tham gia dự thi hiểu rõ hơn những yêu cầu đặt ra và đáp ứng với những ý tưởng sáng tạo nhất, hy vọng Ban tổ chức sẽ bổ sung, cung cấp và làm sáng rõ thêm nhiều thông tin quan trọng và cần thiết nêu trên.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.