(HNM) - Làm thế nào phát huy được nguồn lực của đất nước để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra khi thảo luận tại hội trường về việc thực hiện
Động lực tăng trưởng đã bão hòa
Phát biểu tại hội trường, các ĐBQH đều đánh giá cao những thành tựu KT-XH cả nước đạt được trong năm qua. Đó là, kinh tế tăng trưởng 6,5%, bảo đảm thu ngân sách; chúng ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Song, các ĐB cũng lo ngại nền kinh tế trong nước đã bộc lộ một số vấn đề: Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm chỉ đạt 5,8%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của 5 năm trước; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp (DN) còn hạn chế…
Khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Ảnh: Linh Ngọc |
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (Đoàn TP Hồ Chí Minh), một trong những nguyên nhân là do động lực cho tăng trưởng hiện đã đạt mức bão hòa. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của cộng đồng DN còn nhiều hạn chế với các chỉ số xếp hạng quan trọng đạt thấp: Về sự phát triển của thị trường tài chính đứng thứ 84, về giáo dục cao học đứng thứ 95, về trình độ công nghệ đứng thứ 92 và đặc biệt là độ tinh vi trong tổ chức và quản trị của DN đứng thứ 100. Trong số 500.000 DN đang hoạt động hầu hết là DN nhỏ và vừa, ít có DN có quy mô lớn, công nghệ tụt hậu, năng lực tổ chức và quản trị ở trình độ thấp chưa đủ sức cạnh tranh và hội nhập… ĐB Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị, muốn tạo ra các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới, trong đó gồm động lực cải cách thể chế và khoa học - công nghệ. Do vậy, cần xã hội hóa phân bổ các nguồn lực (trừ 4 nguồn lực dành cho 4 lĩnh vực mà Nhà nước vẫn nắm chi phối) để mọi thành phần, mọi lực lượng trong xã hội đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực một cách bình đẳng, dễ dàng và thuận lợi... Đặc biệt, phải có chính sách về nguồn nhân lực để khai thác, sử dụng người tài, người trẻ vào bộ máy. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa ví dụ trường hợp có 13 học sinh nhận học bổng từ cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" để đi du học nhưng sau đó 12 người ở lại nước ngoài không trở về làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, đặt câu hỏi về sự lãng phí nguồn nhân lực này trong khi lại phải cố gắng cân đối ngân sách cho các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Cùng quan điểm với ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, phải đặt vấn đề cải cách thể chế và xây dựng bộ máy lên hàng đầu để tiếp tục phát huy dân chủ xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh. Cụ thể, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp luân chuyển cán bộ, công chức ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao, có quan hệ trực tiếp với công dân, tổ chức và cá nhân. ĐB Trần Khắc Tâm (Đoàn Sóc Trăng) thì cho rằng, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là tạo đột phá bằng đầu tư cho con người...
Đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp
Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân tiếp tục nhận được sự quan tâm của các ĐBQH. Góp ý kiến về nội dung này, các ĐBQH nhấn mạnh, trong số hơn 90 triệu dân thì nông dân vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể và nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Do vậy, để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, các cơ quan chức năng phải có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
Nhiều ĐB thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ về chủ trương tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nhất trí các giải pháp như: Khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn; đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình, DN với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị. Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định), trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp trong nước phải có sản xuất quy mô lớn, đồng thời phải định hướng được thị trường đầu ra. Đây là việc mà nông dân không thể tự làm được, cần phải có DN tham gia. Để bảo đảm liên kết này chặt chẽ cần có người thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên. ĐB Nguyễn Văn Cảnh phân tích: Nhà tài chính tham gia sẽ cung cấp vốn trong dài hạn để DN đẩy mạnh đầu tư công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là "người thứ ba" bảo đảm được liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân. Nhà tài chính có đủ năng lực tài chính để bảo lãnh DN thực hiện cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi giá tăng và cũng có điều kiện thuận lợi hơn DN khi có những ràng buộc để nông dân bảo đảm sẽ cung cấp nông sản cho DN không phụ thuộc vào giá cả thị trường biến động.
Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) kiến nghị, Chính phủ và các ngành chức năng cần có sự quan tâm và xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến quản lý phân bón giả hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, thiệt hại do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra cho mùa màng, môi trường, sức khỏe cộng đồng và uy tín của thương hiệu nông sản Việt Nam là rất lớn (ước tính khoảng 2 tỷ USD), song các giải pháp khắc phục đến nay không mang lại hiệu quả rõ nét và việc xử lý chưa nghiêm minh. Vì vậy, ĐB Cương kiến nghị 3 vấn đề. Đó là, Chính phủ cần giao Bộ NN&PTNT soạn thảo và chuẩn hóa khoảng 100 loại phân bón phục vụ cho các quy trình kỹ thuật bón phân cho các loại cây trồng chính. Như vậy, các DN sản xuất và kinh doanh phân bón chỉ được phép sản xuất và kinh doanh với 100 loại phân bón theo quy chuẩn quốc gia. Thứ hai, giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và các chủng loại phân bón cho sản xuất nông nghiệp; chịu trách nhiệm cấp phép và giám sát các điều kiện cần và đủ cho việc sản xuất phân bón. Thứ ba là xử lý nghiêm khắc, xử lý thật nặng hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng...
Ngày 3-11, các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và các nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền:Khoảng 48.000 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.