Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ phát triển KT-XH đất nước năm 2015

Võ Lâm| 30/12/2014 06:28

(HNM) - Ngày 29-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.



Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng dự tại đầu cầu trụ sở UBND thành phố. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2014 vượt dự kiến, nhưng năm 2015 đứng trước nhiều thử thách, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ lớn.

Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phục hồi và tăng trưởng trong năm 2014. Ảnh: Huy Hùng


Thành công nhất là giữ được chủ quyền, hòa bình, ổn định

Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ KT-XH năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại một trong những khó khăn lớn nhất là sự kiện tháng 5-2014, Trung Quốc ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH của đất nước. Khi đó Bộ Chính trị đã đề ra 3 nhiệm vụ: Bảo vệ chủ quyền, giữ môi trường hòa bình ổn định, thực hiện được mục tiêu KT-XH đã đề ra. "Thành tích của năm 2014 chính là ta giữ được chủ quyền thiêng liêng, giữ được hòa bình, ổn định, tạo được sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận của đồng bào trong và ngoài nước. Sự kiện này đã minh chứng cho sự đoàn kết, đồng lòng của đồng bào trong và ngoài nước" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Năm 2015, phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6,2%

Năm 2015, Chính phủ xác định phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường…
Năm 2014, cả nước đã đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu KT-XH được Quốc hội giao, chỉ có chỉ tiêu là lao động qua đào tạo còn thấp hơn so kế hoạch.

Cả 3 khu vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phục hồi và tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu đề ra, đạt khoảng 5,98%. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh đều có bước nâng lên, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện… Đăng ký đầu tư mới vốn FDI vào nước ta trong năm 2014 đạt 21 tỷ USD, giải ngân 12,5 tỷ USD, vốn ODA giải ngân 5,5 tỷ USD… là những chỉ số cao, phản ánh sự thay đổi thực chất của môi trường đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, vì kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật vững chắc; ngân sách thu vượt dự toán 10% nhưng cơ cấu chi vẫn còn đáng lo. Chất lượng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Một số vấn đề xã hội, dân sinh còn để lại nhiều bức xúc trong dân...

Thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ lớn

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Từ đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo kiến nghị với Chính phủ cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là về các thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai... Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép tách Sở Du lịch ra khỏi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tập trung phát huy ngành kinh tế có nhiều lợi thế và giàu tiềm năng này của Thủ đô. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đề xuất Chính phủ nghiên cứu tăng cường mua dự trữ dầu thay vì dự trữ ngoại hối trong bối cảnh giá dầu giảm sâu hiện nay...

Triệt để tiết kiệm chi

Một trong những nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ nhận được sự đồng thuận tại hội nghị là về tiết kiệm chi. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài; không mua xe công trừ khi bất khả kháng. Chính phủ cũng dự định sẽ dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30-6-2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ lớn phải tập trung thực hiện thắng lợi gồm: Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra, cố gắng đạt kết quả cao nhất của Kế hoạch 5 năm; giữ vững chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; tăng cường đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, quyết liệt thực hiện thắng lợi 4 nhóm nhiệm vụ nêu trên. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược. "Nhiệm vụ của các cấp chính quyền là tạo mọi thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp phát triển; lấy phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên" - Thủ tướng nhấn mạnh. Để thực hiện việc này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát thủ tục hành chính, xóa bỏ ngay những thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Nhắc nhở việc chi tiêu ngân sách hiện nay chưa phù hợp và còn lãng phí lớn, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2015, các bộ, ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách, hết sức tiết kiệm. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải xem xét kỹ tính hiệu quả khi tổ chức các đoàn đi nước ngoài. Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Ngành y tế phải cải thiện rõ nét tình trạng quá tải ở bệnh viện. Ngành giáo dục phải tổ chức tốt việc đổi mới thi. Xác định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không được chủ quan. Các cấp, ngành cần chỉ đạo kiểm soát hiệu quả hơn các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm nguy hiểm, đồng thời giảm tai nạn giao thông. Nhấn mạnh nạn buôn lậu còn diễn ra công khai, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, nhất là các tỉnh biên giới phải quyết liệt chống tội phạm buôn lậu, đấu tranh với các băng nhóm buôn lậu.

Đề cập đến thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bố trí trực nghiêm túc, bảo đảm công việc thông suốt, nhất là việc bảo đảm an ninh quốc phòng, xuất nhập khẩu, những việc liên quan đến dân, doanh nghiệp... Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí, tất cả nhằm tạo đồng thuận mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015.

Ngăn chặn thông tin độc hại

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và bảo vệ an ninh thông tin, bí mật nhà nước cần được đặc biệt quan tâm. Ông đề nghị, trong năm 2015, các cấp, ngành cần phối hợp với ngành công an tập trung mọi phương tiện, lực lượng để bảo vệ Đại hội Đảng các cấp, góp phần bảo vệ thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong đó, cần có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn những luận điệu sai trái, thù địch, thông tin độc hại, đả kích, chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc nội bộ. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, ngành công an sẽ phối hợp với các ngành chức năng ngăn chặn việc phát tán các tài liệu trên mạng không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, đả kích các lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ.



Giá dầu giảm tác động hai chiều

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, giá dầu thế giới giảm mạnh tác động hai chiều đến nền kinh tế nước ta. Một mặt, giá dầu giảm đe dọa làm hụt thu ngân sách năm 2015. Mặt khác, trong trung và dài hạn, giá dầu giảm sẽ giúp giảm giá xăng, dầu nhập khẩu, tác động tích cực lên nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu giảm 10% thì chi phí đầu vào của các ngành kinh tế giảm 0,55%, qua đó hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thêm 0,94%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ phát triển KT-XH đất nước năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.