Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội: Dồn lực tháo gỡ "nút thắt"

Ngọc Quỳnh| 08/10/2016 07:25

(HNM) - Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 02 vẫn còn một số


Đây là những nội dung được thảo luận tại hội nghị giao ban quý III Chương trình 02 của Thành ủy tổ chức ngày 7-10.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Viết Thành


Cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp mới đạt 37,7%

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đã có nhiều chuyển biến tích cực: Chính phủ vừa công nhận thêm huyện Đông Anh đạt chuẩn NTM; trên địa bàn thành phố có 201/386 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, có thêm 32/386 xã đạt 19/19 tiêu chí đang trình cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM, tăng 21 xã so với quý II năm nay… Toàn thành phố đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được 78.446/76.281ha (đạt 102,8% kế hoạch đề ra). Đáng nói, sau DĐĐT đã chuyển đổi được 27.891ha lúa chất lượng cao, 1.930ha cây ăn quả, 2.800ha hoa… Tuy nhiên, số xã hoàn thành NTM ở các huyện chưa đồng đều, một số huyện kết quả thấp như: Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây. 5 huyện chưa hoàn thành công tác DĐĐT, với diện tích hơn 1.000ha gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT của thành phố đạt thấp, mới dừng ở việc ứng dụng công nghệ cao từng phần, quy mô nhỏ, phân tán, thiếu đồng bộ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân trong năm nay chuyển biến chậm. Đến nay, toàn thành phố mới cấp được 272.969/723.825 giấy chứng nhận, đạt 37,7%, chậm so với kế hoạch đề ra. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguyên nhân là một số địa phương để thất lạc hồ sơ, phương án DĐĐT, sơ đồ đo đạc, chia ruộng, biên bản bốc thăm giao ruộng cho nhân dân. Việc rà soát phân loại các thửa đất còn tồn đọng chưa được các địa phương quan tâm, số liệu qua các lần báo cáo không thống nhất… Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân chậm đã ảnh hưởng tới tích tụ ruộng đất và thu hút DN đầu tư vào địa bàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Còn Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết, nguyên nhân chậm do bị thất lạc hồ sơ lưu trữ...

Tháo gỡ khó khăn

Trước những khó khăn trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, các huyện, thị xã kiến nghị, thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng NTM đối với các xã phấn đấu hoàn thành trong năm 2016; sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể các đối tượng trực tiếp tham gia hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ ở các thôn như: Bí thư, trưởng và phó thôn, đội trưởng sản xuất. Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê, công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn huyện Chương Mỹ mới đạt 1,2%. Trước thực trạng này, huyện Chương Mỹ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn xuống các xã, thị trấn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, lưu trữ, đồng thời giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt được nhiều kết quả khả quan: Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng sản lượng về chăn nuôi, trồng trọt chất lượng cao, nhiều sản phẩm có thương hiệu, xuất khẩu đi một số nước. Trên lĩnh vực xây dựng NTM, ngoài huyện Đan Phượng, có thêm huyện Đông Anh vừa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, thể hiện sự nỗ lực chung của toàn thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các địa phương từ nay đến cuối năm phải dồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải quyết liệt hoàn thành trong năm 2016. Nếu địa phương nào không hoàn thành, Bí thư, cấp ủy nơi đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các địa phương phải tập trung vào tăng diện tích trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới; liên kết xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; có chính sách ưu tiên, khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp; kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ gốc. Các sở, ban, ngành ưu tiên bố trí vốn cho 56 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2016 nhưng không dàn trải, các dự án đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho huyện Thanh Trì và Hoài Đức về tiêu chí môi trường để Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn NTM. Các quận xây dựng kế hoạch ủng hộ, giúp đỡ các huyện chung tay xây dựng NTM...

Một số kiến nghị của các huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị hướng dẫn các địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc. Đến giao ban quý IV, các huyện phải có sự chuyển biến rõ nét, nhất là công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội: Dồn lực tháo gỡ "nút thắt"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.