Theo báo cáo Bộ Nội vụ gửi Quốc hội, đến nay, có 40.500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp) của các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Trong đó, năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018: 10.139 người.
Thực hiện Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, từ ngày 15-10-2018, các bộ, ngành và địa phương được phân cấp giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế và định kỳ báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính 2 lần/năm để kiểm tra theo quy định. Theo đó, số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP 6 tháng đầu năm 2019 là 10.047 người.
Thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018, Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, Kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ về bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non đối với 14 tỉnh tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn thiếu 87.696 biên chế giáo viên các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý), tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của bộ, ngành, địa phương, biên chế công chức của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015.
Năm 2019, Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (khối Chính phủ quản lý) của 63 tỉnh, 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ, tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giảm 11,85% và địa phương giảm 4,26% so với năm 2015.
Về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 25-9-2019, Bộ đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 30 bộ, ban, ngành ở Trung ương và 61 địa phương. Hai Bộ Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; hai địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu và Thái Bình chưa gửi tổng hợp số liệu báo cáo.
Kết quả tổng hợp cho thấy, trong tổng số 469.035 người, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 132.573 người (chiếm 28,27%), hoàn thành tốt nhiệm vụ là 320.660 người (chiếm 68,37%), hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 10.686 người (chiếm 2,28%), không hoàn thành nhiệm vụ 2.694 người (chiếm 0,57%).
Số công chức chưa được đánh giá do không đảm bảo thời gian làm việc trong năm như: Xin nghỉ phép dài hạn từ 6 tháng trở lên vì lý do cá nhân; nghỉ chữa bệnh cả năm hoặc kéo dài từ năm này sang năm khác là 2.422 người (chiếm 0,51%).
Đối với viên chức, trong tổng số 1.659.979 người có 457.550 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 27,56%); 1.098.137 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 66,15%); 97.043 người hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 5,85%), 6.240 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,37%) và số viên chức chưa được đánh giá là 1.009 người (chiếm 0,07%).
“Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao, các biện pháp giải quyết chưa đạt yêu cầu; một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu; thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản nhưng vẫn đưa vào diện tinh giản biên chế”, Bộ Nội vụ đánh giá.
Nguyên nhân được Bộ Nội vụ xác định là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm; trách nhiệm cá nhân đối với tập thể, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ một số nơi còn nể nang, chưa nghiêm túc; đạo đức, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém; ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; năng lực nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; phối hợp xử lý công việc còn chậm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.