(HNM) - Thành phố Hà Nội có hơn 67.000 người dân tộc thiểu số, sống tập trung tại 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Thời gian qua, thành phố đã quan tâm, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện một số chính sách vẫn còn bất cập, chưa kịp thời…
Đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại Hà Nội cần tiếp tục được quan tâm, chăm lo hơn nữa tới đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: Quốc Ân |
Chính sách chưa phủ kín
Thực hiện Nghị định 02-2002/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thương mại vùng miền núi, hải đảo và đồng bào DTTS, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện có đồng bào DTTS, miền núi rà soát nhu cầu các mặt hàng được trợ cước vận chuyển theo quy định. Theo thống kê của Ban Dân tộc TP Hà Nội, hiện tại mới có 7 xã thuộc huyện Ba Vì được hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá đối với 3 mặt hàng: Muối i ốt, dầu hỏa, giấy vở học sinh do Công ty cổ phần Thương mại Ba Vì đảm nhận. Theo lãnh đạo Ban Dân tộc TP Hà Nội, sau một thời gian triển khai trợ giá thì doanh nghiệp này xin thôi vì phải bù lỗ. Đối với mặt hàng muối i ốt, mức trợ giá của UBND TP Hà Nội là 1.000 đồng/kg (cước vận chuyển, hoa hồng công bán), quy định chỉ được bán 5kg/ người/năm, nếu đồng bào mua nhiều thì doanh nghiệp phải bù lỗ số vượt quy định. Trong khi đó, thủ tục bán cũng qua nhiều khâu, muối phải bàn giao cho xã, có cán bộ ngành y tế kiểm nghiệm, sau đó mang đến các thôn bán lẻ. Mặt khác, các vùng miền núi của Hà Nội đều có điện lưới nên nhu cầu về dầu hỏa rất ít, doanh nghiệp không hào hứng.
Ngoài Ba Vì, qua khảo sát vùng DTTS ở 4 huyện khác cũng có nhu cầu được trợ giá, trợ cước các mặt hàng trên theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào "dũng cảm" tham gia, vì sợ phải bù lỗ. Ban Dân tộc thành phố đã nhiều lần đề xuất với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tham gia chương trình này nhưng đều nhận được lời từ chối cũng bởi lý do trên. Giải quyết bất cập trên, Ban Dân tộc TP Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội tăng mức trợ giá, trợ cước cho doanh nghiệp theo đặc thù địa bàn Hà Nội (1kg muối, 1lít dầu hỏa trợ giá 1.500 đồng trở lên; nâng mức được mua của người dân) để thu hút doanh nghiệp tham gia nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
Ngoài bất cập trong thực hiện chính sách thương mại, việc thực hiện chính sách giáo dục, hỗ trợ các cháu học mầm non (70.000 đồng/tháng/học sinh), học sinh phổ thông (140.000 đồng/tháng/học sinh) vùng DTTS trên địa bàn cũng còn chậm. Báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đầu năm 2014, Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện còn chậm, cứ năm sau thực hiện kế hoạch của năm trước, gia đình được hưởng chính sách phải chờ đợi, không khỏi bức xúc.
Cần những cán bộ tâm huyết
Sở dĩ việc thực hiện chính sách tại vùng DTTS trên địa bàn Hà Nội chưa đồng đều là do Ban Dân tộc TP Hà Nội mới thành lập, cán bộ luân chuyển liên tục, đội ngũ tham mưu yếu, thiếu, nên chưa thể bao quát hết các hoạt động. Thêm nữa, chính sách của trung ương còn dàn trải, yêu cầu quản lý phức tạp, trong khi đó lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa sâu sát, cho rằng đối tượng này ít, không quan trọng; việc giám sát thực hiện chính sách của các ngành chức năng còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ. Theo ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội, hiện có hơn 100 văn bản các loại liên quan đến chế độ chính sách của đồng bào dân tộc từ cấp trung ương đến thành phố, cán bộ mới đảm nhiệm cũng chưa tập hợp đầy đủ. Nguyên nhân nữa là ở cấp huyện vẫn chưa tìm người làm công tác dân tộc tâm huyết, việc điều tra, khảo sát còn thiếu sót; công tác tuyên truyền về chính sách còn hạn chế, quá trình thực hiện chính sách phải làm đi làm lại, ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ…
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc UBND TP Hà Nội giao, năm 2014, Ban Dân tộc TP Hà Nội sẽ kiện toàn bộ máy hoạt động, trong đó chú trọng các phòng chức năng, nghiệp vụ, phân công rõ người, rõ việc; tăng cường phối hợp với các sở, ngành nhằm thúc đẩy thực hiện chính sách dân tộc cho bà con kịp thời. Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh khẳng định, Ban Dân tộc thành phố sẽ tăng cường tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố về công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc thành phố cần tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS. Có như vậy mới nắm chắc tình hình, số liệu, địa bàn để kịp thời tham mưu với UBND TP Hà Nội thực hiện tốt hơn việc chăm lo đời sống, vật chất cho đồng bào DTTS, miền núi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.