Lương - Bảo hiểm

Thực hiện chính sách BHXH: Lắng nghe và thấu hiểu

Vũ Minh 29/05/2024 - 20:16

Lắng nghe và thấu hiểu là cách làm của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội trong quá trình đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) lan tỏa, thấm sâu vào đời sống, đến với nhiều nhóm đối tượng. Nhờ đó, số người tham gia các chính sách trên địa bàn thành phố ngày một tăng.

Nhiều vấn đề chưa tỏ

Trong quá trình thực hiện chính sách, BHXH thành phố Hà Nội ghi nhận, đại đa số người dân đều mong ước về già có lương hưu hằng tháng, nhưng hiện còn hàng triệu người lao động làm công việc tự do chưa tham gia BHXH tự nguyện để có cơ hội thụ hưởng chính sách này. Có nhiều lý do khiến người dân chưa ghi danh vào hệ thống BHXH, trong đó, lý do dễ nhận thấy là nhiều người chưa hiểu rõ tính ưu việt, nhân văn của chính sách, thậm chí nhầm lẫn với loại hình bảo hiểm khác, nên chưa sẵn sàng tham gia.

nh-1.jpg
Một số chế độ, chính sách BHXH chưa được người lao động hiểu rõ. Ảnh Đô Động

Với BHXH bắt buộc, mặc dù các chế độ, chính sách, mức đóng, hưởng, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đã được quy định rõ tại hệ thống pháp luật hiện hành, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề người lao động chưa tỏ. Mới đây, anh Trần Mạnh Cường, người lao động của Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây gửi tới các cơ quan chức năng câu hỏi: “Việc chốt BHXH sẽ tiến hành thế nào khi người lao động nghỉ việc?”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhung, Công đoàn xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) đề nghị chuyên gia lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội giải đáp về trường hợp người lao động hiện gần 50 tuổi, tham gia công tác được 22 năm, hiện muốn nghỉ việc, thì họ có được rút BHXH một lần không?

Cũng liên quan đến chế độ BHXH bắt buộc, anh Trần Ngọc Trung, người lao động của Công ty cổ phần Fomach, đóng trên địa bàn huyện Thanh Trì băn khoăn không biết một người lao động ký hợp đồng lao động với hai doanh nghiệp, thì chế độ BHXH sẽ thực hiện thế nào?

Hiểu rõ để thực hiện đúng

Để người dân, người lao động hiểu rõ hơn về chính sách BHXH, thay vì tuyên truyền một chiều, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chọn cách tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhiều nhóm lao động trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu. Sau đó, các bên tiến hành tư vấn việc thực hiện các chính sách sao cho đúng, trúng và hiệu quả.

Theo hướng này, từ đầu năm 2024 đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi, đối thoại về vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, BHXH với đông đảo công nhân, người lao động. Dưới góc độ thực hiện chính sách, BHXH thành phố Hà Nội phân công cán bộ, nhân viên trực tiếp trả lời những câu hỏi của người lao động, người sử dụng lao động liên quan đến chế độ BHXH trên nhiều diễn đàn, kênh thông tin.

nh-2.jpg
Trưởng phòng Truyền thông (BHXH thành phố Hà Nội) Dương Thị Minh Châu giải đáp nhiều vấn đề người lao động quan tâm.

Giải đáp về chính sách BHXH tự nguyện, Trưởng phòng Truyền thông (BHXH thành phố Hà Nội) Dương Thị Minh Châu cho biết, loại hình bảo hiểm này do Nhà nước tổ chức, quản lý, không vì mục đích lợi nhuận, mà vì mục tiêu bảo đảm an sinh lâu dài cho người dân. Chính sách được áp dụng với đối tượng lao động làm việc không theo chế độ hợp đồng lao động (thường gọi là lao động tự do). Khi tham gia đủ số năm theo quy định, người dân sẽ được hưởng chế độ hưu trí cùng một số chế độ an sinh khác, gần giống với chế độ BHXH bắt buộc dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Do đó, người dân có thể yên tâm tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng linh hoạt, do người dân lựa chọn, mức thấp nhất chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng.

Ngoài ra, những vấn đề người lao động chưa tỏ liên quan đến BHXH bắt buộc cũng được nữ chuyên gia của BHXH thành phố Hà Nội giải đáp thấu đáo. Cụ thể, về nội dung chốt sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc, bà Dương Thị Minh Châu khẳng định, đây là quyền lợi của người lao động, đơn vị sử dụng lao động bắt buộc phải thực hiện chốt sổ BHXH cho họ. Nếu đơn vị sử dụng lao động cố tình “chây ỳ”, thì người lao động có thể nhờ tổ chức Công đoàn hỗ trợ.

Trường hợp người lao động làm việc có từ hai hợp đồng lao động trở lên, thì họ sẽ đóng BHXH vào Quỹ hưu trí, tử tuất tại đơn vị ký hợp đồng lao động đầu tiên; đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp tại tất cả các đơn vị ký hợp đồng lao động (khoản này do người sử dụng lao động đóng). Ngoài ra, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị ký hợp đồng lao động đầu tiên; đóng bảo hiểm y tế đóng tại đơn vị ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Với trường hợp người lao động đã tham gia công tác và đóng BHXH bắt buộc 22 năm, họ không thuộc đối tượng rút BHXH một lần. Lý do là vì họ đã thỏa mãn một trong hai điều kiện để hưởng lương hưu, đó là đóng BHXH trên 20 năm, nên chỉ cần đợi đến tuổi nghỉ hưu, họ sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Hơn nữa, Luật BHXH quy định, người đóng đủ 20 năm BHXH sẽ không được quyền thanh toán BHXH một lần, trừ các trường hợp mắc các bệnh hiểm nghèo (ung thư, xơ gan, AIDS…) hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…

Dưới góc nhìn khách quan, luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest cho rằng, khi người lao động, người sử dụng lao động hiểu đúng về các quy định liên quan đến chính sách BHXH, chắc chắn họ sẽ thực hiện đúng, trúng và hiệu quả hơn. Điều này mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều phía, nên rất cần được phát huy.

Thực tế cũng cho thấy, việc đưa chính sách BHXH vào đời sống với tinh thần lắng nghe và chia sẻ góp phần giúp thành phố Hà Nội đạt nhiều trái ngọt an sinh. Tính đến thời điểm hết tháng 4-2024, Hà Nội có gần 2,06 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, tăng gần 100.000 người so với cùng thời điểm năm 2023, đạt 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Chính sách BHXH tự nguyện đến với hơn 84.000 người, bằng 2,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách BHXH: Lắng nghe và thấu hiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.