(HNMO) - Ngày 10-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu. Diễn đàn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, trong số 27 nước đối tác của Việt Nam tại khu vực Á - Âu, 11 nước đã tham gia Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước đang trong quá trình gia nhập EU; 5 nước (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã thiết lập Liên minh Kinh tế Á - Âu. Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do với EU và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ngoài ra, giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương.
Ông Yerlan Baizhanov, Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Kazakhstan đã có sự tăng trưởng tích cực ở mức hơn 2,65 tỷ USD năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan là: Điện thoại, máy tính, nông sản, túi xách… Ông Yerlan Baizhanov mong muốn hoạt động thương mại, đầu tư song phương sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Tương tự, ông Maciej Duszynski, Phó đại sứ Ba Lan tại Việt Nam cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ba Lan. Ông Maciej Duszynski cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hai nước Việt Nam - Ba Lan liên tục tăng cao với 1,6 tỷ năm 2018 và 1,799 tỷ USD năm 2019. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, sản phẩm từ sắt thép, chất dẻo… là những hàng hóa chính xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan. Tuy nhiên, dư địa cho xuất nhập khẩu hai bên là rất lớn, do đó hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động giao thương nhằm tăng lượng hàng hóa trao đổi hai chiều, thúc đẩy kinh tế hai nước.
Tham luận tại diễn đàn, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, với chính sách cởi mở của hai bên, hiện hàng hóa Việt Nam có mặt tại thị trường Đông Âu ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, tiềm năng tại khu vực này còn lớn, nhất là với các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản. Cũng theo ông Peter Hồng, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ngày càng lớn mạnh là cầu nối đưa hàng hóa lưu chuyển hai chiều, thúc đẩy kinh tế hai bên phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.