(HNM) - Khắc phục hạn chế và tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ đề chính trong hội thảo Tái cấu trúc đầu tư công và DN nhà nước do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 3-5…
Nhận diện những tồn tại, hạn chế
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, quá trình phát triển của nền kinh tế trong thời gian qua đã ẩn chứa, tích tụ những tồn tại, khuyết tật đang cản trở mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như đáp ứng yêu cầu tự thân của mình, nhất là khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi do chủ quan và khách quan, nền kinh tế Việt Nam ngày càng bộc lộ những khiếm khuyết đáng lo ngại. Đó là tình trạng lạm phát cao, mất cân đối vĩ mô ngày càng lớn, chậm thay đổi về công nghệ, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh thấp… Mô hình tăng trưởng cũ, chủ yếu dựa vào sự gia tăng đầu tư vốn nhưng lại đầu tư dàn trải, chồng chéo và diễn ra theo cơ chế nặng về xin - cho đã để lại hậu quả như môi trường đầu tư - kinh doanh không lành mạnh; xu hướng đầu cơ, ăn xổi; nảy sinh lãng phí và tham nhũng… Từ đó, nền kinh tế ngày càng rơi sâu vào vòng xoáy "đình trệ - lạm phát cao" và bị đe dọa bởi nguy cơ khó thoát ra và nếu tiếp diễn sẽ phải đối phó với tình trạng ảm đạm kéo dài.
Tái cấu trúc đầu tư công để tránh tình trạng dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư. Ảnh: Huy Hùng
Chuyêngia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, thực tế tỷ lệ đầu tư toàn xã hội so với GDP ngày càng tăng trong khi hiệu quả ngày càng giảm. Đây là một nghịch lý, gây lãng phí nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 1991-1995 tỷ lệ này là 28,2 và GDP đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm; giai đoạn 1996-2000 các mức tương ứng lần lượt là 33,3 và 7%; giai đoạn 2001-2005 là 39,1 và 7,49%; giai đoạn 2006-2010 là 42,7 và 6,9%. Như vậy, mặc dù mức đầu tư luôn tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng GDP càng giảm theo thời gian, như một biểu hiện "phú quý giật lùi". Một thực tế đáng ngại nữa là, tỷ lệ thất thoát trong các dự án đầu tư công khá cao, ảnh hưởng đến hiệu quả đồng vốn và chất lượng công trình.
Tình trạng dàn trải, tư duy cục bộ địa phương đã diễn ra và để lại hậu quả lãng phí, rất khó khắc phục. Cả nước đang thực hiện đầu tư 20 cảng biển quốc tế nhưng đến nay chưa hề có cảng nước sâu nào có tầm cỡ quốc tế hay đủ tầm ảnh hưởng ở khu vực để từ đó tạo sức bật phát triển kinh tế cho địa phương sở tại và vùng phụ cận...
Tạo bước thay đổi về chất đối với nền kinh tế
Từ thực trạng trên, Việt Nam xác định và quyết tâm thực hiện tái cấu trúc đầu tư công và DN nhà nước nhằm tạo bước thay đổi về chất đối với nền kinh tế. Nền kinh tế sẽ "đứng" trên 3 trụ cột chính gồm: công nghệ - kỹ thuật cao, lao động có kỹ năng và liên kết quốc tế.
Việc tái cấu trúc đầu tư công phải gắn liền với cải cách luật pháp và thể chế để quản lý đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, đúng quy hoạch, kế hoạch. Quá trình triển khai đầu tư phải đặt dưới chế độ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong suốt các công đoạn, từ thiết kế, xét duyệt, nghiệm thu… dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, tổ chức chuyên ngành cũng như báo chí, công luận. Bên cạnh đó, cần chuyển mạnh từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" kết hợp cải cách hành chính và phân vai rõ ràng về quyền lợi - trách nhiệm. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng xác định, Nhà nước sẽ dần rút khỏi những lĩnh vực mà tư nhân có thể và sẵn sàng tham gia để hạn chế đầu tư công, từ đó có điều kiện chuyển dịch ngân sách cho những công trình công ích một cách tập trung, đúng tầm. Nhiều nhà kinh tế nhấn mạnh, đã đến lúc cần ban hành Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công. Mặt khác, cần làm rõ nhận thức và tầm quan trọng của mô hình xã hội hóa đầu tư để huy động và sử dụng nguồn vốn từ khu vực tư nhân một cách hiệu quả đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách. Sẽ có nhiều dự án, nhất là thuộc lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chờ đón DN tư nhân.
Đại diện khu vực tư nhân cũng như chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị Nhà nước nên cho phép triển khai rộng rãi các dự án theo mô hình hợp tác công - tư để tăng cường sự tranh thủ và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai khu vực này về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, sử dụng nguồn nhân lực.
DN nhà nước sẽ được thu hẹp về số lượng, nhưng nâng cao chất lượng để phát triển bền vững, bảo đảm vai trò nòng cốt đối với một số lĩnh vực quan trọng của quốc kế dân sinh như năng lượng, cung cấp dịch vụ công, bảo vệ môi trường, giao thông… Chính phủ, các bộ, ngành sẽ gia tăng và nâng cao hiệu quả quản lý, kiên quyết giảm thiểu, tiến tới kiềm chế tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc tái cấu trúc DN theo một số "kênh" như sắp xếp lại về ngành nghề, cơ cấu lại về vốn, nhất là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Việc tái cấu trúc DN là cơ sở tốt để tạo ra môi trường và điều kiện bình đẳng đối với DN thuộc các thành phần, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý. Sẽ tiến tới xóa bỏ tình trạng độc quyền và ủng hộ việc thành lập tập đoàn kinh tế đa sở hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.