(HNM) - Trong hai ngày 16 và 17-2, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã họp tại Bonn (Đức). Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 7 tới nhằm thúc đẩy một sự hợp lực toàn cầu.
Các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20. |
Không phải ngẫu nhiên chủ đề của Hội nghị G20 năm nay được chọn là “Định hình một thế giới kết nối”. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề quan trọng như: Thúc đẩy thực hiện Nghị sự 2030; duy trì hòa bình trong bối cảnh mới; hợp tác, hỗ trợ Châu Phi. Đây đều là những vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh xuất hiện những yếu tố mới tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và khu vực.
Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 9-2016 ở Trung Quốc, thế giới đã chứng kiến nhiều biến đổi. Nền kinh tế toàn cầu cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức mới trong lúc dư âm của khủng hoảng tài chính khởi phát từ cách đây gần 1 thập kỷ vẫn để lại nhiều di chứng. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái với thắng lợi thuộc về tỷ phú Donald Trump - người phản đối quá trình toàn cầu hóa và chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương lên nắm quyền - đã gây hoang mang cho các thị trường toàn cầu.
Việc ông chủ Nhà Trắng ngay sau khi nhậm chức quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phần nào đã tạo thêm những áp lực mới cho nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, quyết định lựa chọn kịch bản “Brexit cứng”, tức là rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và giảm quan hệ xuống mức duy trì các thỏa thuận thương mại đơn thuần của Anh được dự báo sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả xứ Sương mù lẫn EU. Ngoài ra, nợ công tăng cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ. Trong khi đó, bất ổn chính trị hay các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi kéo dài khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại Châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ tiếp tục kéo theo những hệ quả tiêu cực tới kinh tế thế giới.
Trước thực trạng tăng trưởng chậm chạp, toàn cầu hóa thoái trào, trách nhiệm của Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới rất nặng nề. Các thành viên đứng trước yêu cầu phải phát huy tinh thần đối tác đồng tâm hiệp lực để đối phó với những thách thức mới của nền kinh tế, chính trị toàn cầu.
Năm nay, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan với tư cách nước chủ nhà "Năm APEC 2017" (Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương). Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà "Năm APEC" không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời cho thấy những đóng góp chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc của khu vực và thế giới. Điều này cũng thể hiện rõ ràng sự coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC từ các thành viên G20.
Chủ đề “Năm APEC 2017” của Việt Nam là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” có nhiều điểm tương đồng với trọng tâm nghị sự của G20, trong đó đặc biệt cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới - sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây được coi là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế trong bối cảnh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.