(HNM) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen vừa có những trao đổi cởi mở trong Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 15 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Diễn ra gần 3 năm sau sự kiện tương tự hồi năm 2017, hội nghị được EU và Ấn Độ hy vọng sẽ mở ra chương mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược song phương trên nhiều lĩnh vực.
Tại hội nghị tổ chức ngày 15-7, hai bên đã cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền của con người, trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, xây dựng chủ nghĩa đa phương hiệu quả dựa trên luật pháp quốc tế với cốt lõi là Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy phát triển bền vững và thương mại mở.
Với mục tiêu trên, trong các thảo luận, lãnh đạo EU và Ấn Độ đã trao đổi cách thức đẩy mạnh phát triển quan hệ thương mại và đầu tư song phương, hỗ trợ tăng trưởng bền vững và việc làm ở cả hai bên. Trong bối cảnh thế giới nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19, các thảo luận cũng bao gồm vấn đề hợp tác và đoàn kết toàn cầu để bảo vệ sinh mạng của người dân, giảm thiểu những tác động về kinh tế - xã hội cũng như tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó với khủng hoảng. Hai bên cũng chia sẻ một số quan ngại về các mối đe dọa an ninh trong tình hình mới.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau đó, EU và Ấn Độ đã công bố lộ trình mở rộng quan hệ tới năm 2025, trong đó có thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu và Cục Năng lượng nguyên tử Ấn Độ để chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan. Hai bên cũng quyết định thiết lập đối thoại an ninh hàng hải, tăng cường phối hợp giữa hải quân Ấn Độ và EU. Việc thực hiện tham vấn an ninh thường xuyên, trao đổi về các ưu tiên chiến lược, quản lý khủng hoảng, gìn giữ hòa bình cũng đã được nhất trí trong hội nghị.
Việc hai bên đạt thống nhất cao trong nhiều vấn đề là dễ lý giải, bởi EU không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ mà còn có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với New Delhi. Ngược lại, Ấn Độ cũng là đối tác kinh tế lớn thứ 9 của EU. Kim ngạch thương mại hai chiều trong tài khóa 2018-2019 đã đạt tới 115,6 tỷ USD, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 57,2 tỷ USD và nhập khẩu 58,4 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hai bên càng có thêm động lực để thắt chặt mối quan hệ song phương nhằm phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, thương mại lại là điểm chưa có bước tiến lớn khi những trao đổi về tương lai của Hiệp định Thương mại tự do song phương chưa đạt được kết quả cụ thể nào. Lãnh đạo EU và Ấn Độ mới chỉ nhất trí sẽ triển khai các cuộc thảo luận ở cấp bộ trưởng về vấn đề này sớm nhất có thể. Trên thực tế, Ấn Độ kỳ vọng vào sự tiến triển nhanh hơn trong lĩnh vực này khi nền kinh tế quốc gia Nam Á đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng âm 3,2% trong tài khóa 2020-2021 theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1979 tới nay, bất chấp một số biện pháp hỗ trợ từ các gói kích thích tài chính và tiền tệ của New Delhi. Trong bối cảnh đó, việc có thể sớm đưa hàng hóa vào thị trường châu Âu có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế và giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh của chính quyền Thủ tướng N.Modi.
Dù vậy, những kết quả đạt được qua hội nghị lần này cho thấy EU và Ấn Độ đã tìm được tiếng nói chung trong củng cố mối quan hệ giữa hai bên theo hướng hiệu quả, tin cậy và sâu rộng hơn. Sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều phương diện, sự đồng thuận trong nhiều vấn đề đã tạo ra những tiền đề quan trọng để EU và Ấn Độ tiếp tục có những bước đi vững chắc hơn nhằm củng cố hợp tác song phương giữa lúc đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thử thách chưa từng có cho thế giới trong nhiều thập kỷ gần đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.