Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ

Ánh Tuyết| 29/07/2016 07:06

(HNM) - Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, Chợ Thiết bị và công nghệ (Techmart) được đánh giá là một trong những hình thức hoạt động hiệu quả để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường công nghệ. Năm nay, tại Bảo tàng Hà Nội, Techmart Hà Nội 2016 sẽ diễn ra từ ngày 28-9 đến ngày 1-10.

Một gian hàng trong Chợ Thiết bị và công nghệ quốc tế Việt Nam 2015 tổ chức tại Hà Nội.



- Sau nhiều năm tổ chức, Techmart đã trở thành nơi gặp gỡ của các nhà quản lý, khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh. Bà có thể cho biết họ đã có được điều gì từ hoạt động này?

- Techmart giới thiệu thành quả KH&CN và thúc đẩy lưu thông hàng hóa chất xám trên thị trường công nghệ. Qua các kỳ Techmart, doanh nghiệp (DN) có nhiều lựa chọn đối tác, công nghệ phù hợp với năng lực tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất của đơn vị. Ngoài ra, các DN cũng thu được những kiến thức về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Thông qua Techmart, nhiều mối quan hệ đối tác hợp tác được thiết lập, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao. Nhiều nhà khoa học tìm được thị trường mới cho công nghệ của mình. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của khách hàng để điều chỉnh công tác nghiên cứu cho sát với nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt qua Techmart, các DN nhận thức được rằng, nếu họ không chủ động liên kết với các nhà khoa học để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị mà tự mày mò, giải quyết khó khăn thì không những khó vươn ra thị trường thế giới mà có nguy cơ thua ngay ở “sân nhà”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, DN muốn cạnh tranh được và đạt được mục tiêu lợi nhuận cao thì không còn con đường nào khác ngoài ứng dụng KH&CN. Ngoài ra, Techmart đã giúp các nhà quản lý thấy rõ một số điểm yếu cần được khắc phục trong tổ chức và quản lý thị trường KH&CN ở Việt Nam.

- Qua các kỳ Techmart, bà có thể chia sẻ về những khó khăn cũng như thuận lợi trong công tác tổ chức?

- Thuận lợi rất lớn là các nhà khoa học và doanh nhân càng ngày càng nhận thức rõ về sự cần thiết phải gắn kết, hợp tác chặt chẽ nhằm tạo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tổ chức các kỳ Techmart vừa qua cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, sự gắn kết giữa các tổ chức KH&CN với DN vẫn còn có khoảng cách bởi họ có mục tiêu khác nhau. Techmart chính là nơi họ tìm thấy những mục tiêu chung, để khoa học không chỉ vì khoa học mà còn hướng tới nhân sinh. DN cần áp dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN thì mới đem lại lợi nhuận cao. Để mối quan hệ này trở nên gắn bó, quá trình chuyển giao công nghệ thực sự mang lại hiệu quả cho các phía, hai bên cung và cầu phải đáp ứng được một số điều kiện. Trước hết, bên cầu công nghệ phải có nhu cầu thực sự. Đó là khi DN xác định rõ nếu không đổi mới công nghệ thì sẽ không thể tồn tại, nguy cơ phá sản cao. Lúc đó, nhu cầu đổi mới công nghệ là trọng yếu. Bên cung phải có tinh thần chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN và coi việc chuyển giao này là tất yếu, giúp đem lại nguồn tài chính phục vụ cho việc nghiên cứu tiếp theo. Đặc biệt, cả hai bên phải hiểu đây là chuyển giao chất xám, nên mối quan hệ mang tính hợp tác, mật thiết, lâu dài, tương hỗ. Không bên nào được cho mình là nhất và bên kia nhì, mà phải là mối quan hệ cân bằng, đôi bên cùng có lợi thì mới có thể chuyển giao thành công.

- Tại Techmart, rất nhiều công nghệ mới được giới thiệu. Vậy, làm thế nào để đưa các công nghệ mới này đến gần với đời sống hơn, thưa bà?

- Techmart khác với các triển lãm hàng hóa tiêu dùng. Đây là chợ của hàng hóa chất xám, là các kết quả nghiên cứu KH&CN thành công trong phòng thí nghiệm, ở quy mô nhỏ. Khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất đại trà với quy mô công nghiệp, các giải pháp này vẫn còn khoảng cách rất xa, do vậy cần phải được triển khai ở mô hình thử nghiệm, hoàn thiện ở quy mô khác nhau theo nhu cầu thực tiễn. Để làm được điều này, rất cần có sự hợp tác khăng khít giữa nhà khoa học với DN. Do vậy, để Techmart thu được hiệu quả, Ban Tổ chức phải khảo sát nhu cầu của DN, lựa chọn bên cung phù hợp để kết nối với bên cầu trước khi tổ chức Techmart. Để thu nhận nhu cầu của DN, Ban Tổ chức sẽ chuyển danh mục các công nghệ, kết quả nghiên cứu của các đơn vị tham gia Techmart cho các DN thuộc lĩnh vực liên quan. Sau đó, Ban Tổ chức kết nối từng cặp cung - cầu. Ngay tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã kết nối nhiều cặp đối tác để ký kết hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ.

- Được biết, Techmart Hà Nội 2016 sẽ có sự tham gia của khoảng 390 đơn vị trong nước và 50 gian hàng nước ngoài. Điểm mới của Techmart năm nay là gì, thưa bà?

- Điểm mới của Techmart năm nay là sẽ tập trung kêu gọi đầu tư của các DN, các ngân hàng và quỹ tài chính vào các công nghệ và sản phẩm có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ các nhà khoa học có tinh thần DN, sẽ khởi nghiệp kinh doanh bằng chính kết quả nghiên cứu của mình. Ban Tổ chức sẽ dành không gian tư vấn để các DN có thể giới thiệu nhu cầu đổi mới công nghệ, những khó khăn về công nghệ mà DN đang cần phải giải quyết.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.