Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Cần có thêm chính sách hỗ trợ

Thu Hằng| 05/01/2021 06:31

(HNM) - Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Song, để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cần phải thực hiện thêm nhiều giải pháp cũng như có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ hơn nữa.

Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội là một trong những doanh nghiệp khoa học và công nghệ áp dụng công nghệ cao sản xuất dược phẩm.

Còn nhiều khó khăn

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cả nước hiện có 538 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; trong đó, Hà Nội có 90 doanh nghiệp. Mặc dù nhận được ưu đãi, hỗ trợ trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, được miễn thuế, ưu đãi tín dụng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển, đổi mới công nghệ, song việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế.

Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết, trong số 90 doanh nghiệp của Hà Nội đã được chứng nhận, có 3 doanh nghiệp thuộc đối tượng thí điểm chuyển đổi từ tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 33 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 54 doanh nghiệp còn lại là đăng ký chứng nhận sau thời gian hoạt động. Chưa có doanh nghiệp nào được hình thành từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp hoặc vườn ươm của các trường đại học, cao đẳng.

Cũng theo bà Lê Thanh Hiếu, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp khoa học và công nghệ Hà Nội chủ yếu hình thành từ bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (34%) và phần mềm máy tính (38%), với nguồn kinh phí của doanh nghiệp (84/90, chiếm 93,3%). Thực tế chỉ 6 doanh nghiệp có sản phẩm xuất xứ từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sử dụng vốn nhà nước đã được giao một phần quyền sử dụng; chưa doanh nghiệp nào có sản phẩm xuất xứ từ nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội (ở Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín) Lê Nam Thắng cho hay: “Được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ đã tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng những gì mà doanh nghiệp khoa học - công nghệ cần, như: Vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm…”.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ toàn diện

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, hoạt động liên kết và xúc tiến, nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ hơn nữa, cần phải có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ. Đồng thời, cần xây dựng, ban hành cơ chế phù hợp, tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp nhận kết quả khoa học và công nghệ mới để hình thành doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thúc đẩy hoạt động của các cơ sở ươm tạo tại trường đại học, viện nghiên cứu và thu hút sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khoa học và công nghệ dẫn dắt các lĩnh vực.

"Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng, giúp thương hiệu "doanh nghiệp khoa học và công nghệ" trở thành thương hiệu mạnh", ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu hình thành và phát triển được 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội vào năm 2025, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai đồng bộ các giải pháp và hướng dẫn đầy đủ các nội dung trong Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hiện tại, Sở đang tham mưu xây dựng Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” (dự kiến tổ chức triển khai thực hiện từ quý I-2021), phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một nội dung trong chương trình.

"Thành phố sẽ tập trung khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực khoa học, công nghệ trên địa bàn, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước. Trong đó, sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững", ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Cần có thêm chính sách hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.