(HNMO) - Ngày 21-12, Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.
Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện, đại dịch Covid-19 cùng những thách thức của biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên... là những vấn đề giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hòa và cân đối giữa 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển.
Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên hợp quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động với nhiều nội dung thực hiện khác nhau. Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động này.
Song, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, PGS.TS Trần Trọng Nguyên đánh giá, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra, như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia. Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố. Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình. thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. “Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào, mà còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước gắn với việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đáp ứng được những yêu cầu trong Khát vọng Việt Nam đến 2035…
Tiến sĩ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, hoàn thiện thể chế, thực hiện quá trình phục hồi xanh, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin cũng như bài học kinh nghiệm để thực hiện thành công mục tiêu chung. Trong đó có đề xuất thực hiện mô hình tăng trưởng xanh và hài hòa với cơ chế phù hợp và các chính sách thực thi sát thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.