Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy “ngoại giao địa cầu”

Đình Hiệp| 10/09/2014 06:10

(HNM) - Chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kết thúc chuyến công du 5 ngày tới Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã lên đường và vừa hoàn tất chuyến thăm 3 ngày tới hai quốc gia láng giềng của New Delhi là Bangladesh và Sri Lanka.

Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa sau hội đàm ở Colombo.



Sự hiện diện của nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc ở hai quốc gia vốn đang nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, dù không chiếm vị thế kinh tế lớn trong khu vực đã khẳng định cuộc đua giành ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế đầu tàu không chỉ của châu lục. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua, Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Bangladesh. Còn với Sri Lanka, sự đứt quãng trong trao đổi đoàn cấp cao giữa Tokyo và Colombo còn dài hơn khi lên tới 24 năm. Giải thích cho sự thay đổi này, Thủ tướng S.Abe cho rằng, lợi thế của hai quốc gia Nam Á sẽ giúp tái sinh nền kinh tế Nhật Bản. Nằm dọc theo tuyến đường biển từ Trung Đông sang Đông Á, Bangladesh và Sri Lanka ngày càng khẳng định vai trò địa chiến lược trong cuộc đua giữa các cường quốc, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc. Với Nhật Bản và Trung Quốc - hai nền kinh tế khát năng lượng - Ấn Độ Dương là tuyến đường biển huyết mạch, cung cấp dầu mỏ và khí hóa lỏng từ Trung Đông. Không những thế, Bangladesh và Sri Lanka còn là hai thị trường mới với cơ hội về đầu tư và thương mại đầy hấp dẫn. Trong cuộc đua này, xem ra Bắc Kinh có phần nhanh chân hơn Tokyo khi trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã kịp giúp xây dựng hải cảng cho các nước dọc theo tuyến đường hàng hải chạy qua Ấn Độ Dương. Một hải cảng trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc đầu tư ở Sri Lanka đã đi vào hoạt động từ năm ngoái.

Cho dù với tâm thế "người đến sau" nhưng Nhật Bản vẫn cho thấy lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua này. Trong đó, thành công nổi bật mà Thủ tướng S.Abe sau hai cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa là sự đồng thuận, tin cậy Nhật Bản với vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2015. Thủ tướng S.Hasina đã thông báo về quyết định rút tư cách ứng cử viên của Bangladesh vào vị trí này sau cuộc hội đàm với Thủ tướng S.Abe khi khẳng định quyết định này dựa trên "sự hỗ trợ mạnh mẽ và liên tục của Nhật Bản trong quá trình phát triển của Bangladesh". Đáp lại, Nhật Bản cam kết tài trợ cho một số dự án cơ sở hạ tầng ở Bangladesh với tổng trị giá lên tới 6 tỷ USD trong 5 năm tới. Với khoản cam kết mới, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí nhà tài trợ song phương lớn nhất của Bangladesh.

Trong chặng dừng chân thứ hai tại Sri Lanka, Thủ tướng S.Abe và Tổng thống nước chủ nhà M.Rajapaksa đã nhất trí thiết lập các mối liên kết trên biển vững mạnh hơn giữa hai nước. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Colombo, hai nhà lãnh đạo còn nhất trí tổ chức đối thoại liên chính phủ về ô nhiễm biển và bảo vệ môi trường. Nhật Bản cũng sẽ nghiên cứu cung cấp tàu tuần tra cho Sri Lanka để tăng cường năng lực an ninh biển. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản và hải quân Sri Lanka...

Cùng với chuyến thăm của ông S.Abe tới Bangladesh và Sri Lanka, chuyến thăm Nhật Bản gần đây của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi cho thấy chiến lược thắt chặt quan hệ với Nam Á của Nhật Bản. Rõ ràng những căng thẳng trên biển Hoa Đông chưa chấm dứt dự báo cuộc đua tranh Nhật - Trung trong khu vực sẽ ngày càng nóng hơn. Trong bối cảnh đó, chuyến công du Nam Á của Thủ tướng S.Abe không chỉ nhằm tìm kiếm thêm "đồng minh" mà còn hướng tới thu hẹp khoảng cách trước ảnh hưởng Trung Quốc tại thị trường còn bỏ ngỏ này. Điều này giải thích việc tháp tùng ông S.Abe đến Nam Á là cả một "đội quân" hùng hậu với 50 giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu Nhật Bản.

Chuyến công du Nam Á của Thủ tướng S.Abe diễn ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sắp có chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanka. Một số nhà phân tích cho rằng, Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược "ngoại giao địa cầu" - không chỉ với lân bang mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Bước đi này của Tokyo xem ra đối lập với chính sách ngoại giao nước lớn vừa được Bắc Kinh thể hiện. Nhận định này xem ra có cơ sở khi theo thông lệ, thủ tướng mới của Nhật Bản trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên thường chọn Mỹ là điểm đến; thế nhưng, Thủ tướng S.Abe đã phá vỡ truyền thống khi chọn các nước ASEAN gồm: Việt Nam, Thái Lan và Indonesia để đến thăm.

Hàng loạt chuyến công du sau đó của Thủ tướng S.Abe với điểm đến mới nhất là Nam Á vừa hoàn tất tiếp tục tỏ rõ sự can dự ngày càng lớn và không thể thiếu của nền kinh tế hàng đầu châu lục; đặc biệt trong bối cảnh an ninh thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy “ngoại giao địa cầu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.