Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy ngành Lâm nghiệp phát triển bằng khoa học kỹ thuật

Bạch Thanh| 26/06/2020 13:09

(HNMO) - Sáng 26-6, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp “Thành tựu và định hướng phát triển” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, đơn vị quản lý rừng, lâm nghiệp trên địa bàn cả nước.

 Trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp về sản xuất giấy. 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019 đạt hơn 11,3 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,77 tỷ USD, bằng 84% xuất siêu ngành Nông nghiệp và bằng 7,88% của cả nước. Đến hết tháng 5-2020, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững toàn quốc là 278.976ha tại 27 tỉnh…

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng và tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, phục vụ sản xuất lâm nghiệp ngày càng hiệu quả. Qua đó, nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn tạo và phát triển; nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ... đã được ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng nhấn mạnh, khoa học công nghệ luôn là động lực để kinh tế phát triển nhanh hơn và lâm nghiệp cũng không ngoại lệ. Hằng năm, xuất khẩu của ngành Lâm nghiệp luôn tăng trưởng ấn tượng, kể cả năm 2020 gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng dự kiến, ngành Lâm nghiệp vẫn tăng trưởng bằng những năm trước. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn lưu ý, phải có bước nhìn lại ngành Lâm nghiệp trong những năm qua để có kinh nghiệm, bài học cho chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có chiến lược phát triển khoa học công nghệ riêng song song với chiến lược phát triển lâm nghiệp chung của ngành.

“Bộ NN&PTNT sẽ đầu tư trung hạn và dài hạn cho nội dung nghiên cứu quan trọng hàng đầu này. Các trường, viện phải là những nơi nghiên cứu, chuyển giao hàng đầu về giống, đặc biệt là các giống lâm nghiệp biến đổi gen; đồng thời, giúp Bộ NN&PTNT về kỹ thuật lâm sinh, kỹ thuật thâm canh các cây trồng chủ lực. Bộ NN&PTNT "đặt hàng" và mong các tổ chức khoa học, nhất là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, đặc biệt là nghiên cứu về cảnh báo cháy trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Với công tác điều tra, số liệu, thống kê…, rất cần các nhà khoa học đưa ra con số chuẩn xác, làm căn cứ cho việc hoạch định chiến lược của ngành", Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy ngành Lâm nghiệp phát triển bằng khoa học kỹ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.