Trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ ngày 2 đến 8-10-2023, tại Thủ đô Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận, trong 9 tháng vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng yêu cầu không chủ quan, thỏa mãn, phải tiếp tục quyết liệt, nỗ lực hơn nữa, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2023.
Sự biến đổi của những con số
Theo thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2022, với xu hướng tích cực quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Tính chung, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo giới chuyên gia, việc xác lập được đà tăng tiến qua từng quý là rất quan trọng, vì đó là chỉ dấu cho thấy sự phục hồi rõ nét, hướng tới mức tăng trưởng cao hơn trong quý IV cũng như tạo đà thuận lợi cho năm 2024.
Tình hình đầu tư nước ngoài (FDI) có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, khi chấm dứt sự trầm lắng trong suốt 6 tháng đầu năm để bứt phá từ tháng 7-2023. Cả nước đã thu hút thêm 20,21 tỷ USD vốn FDI, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả giải ngân nguồn vốn này cũng đạt 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%. Trong bối cảnh suy giảm hoạt động đầu tư quốc tế nhiều tháng gần đây, kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI nói trên tạo ấn tượng khá đậm nét.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã chủ động, tập trung cải cách theo hướng đồng bộ, toàn diện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài, gồm thể chế, chính sách cởi mở, tiến bộ, hệ thống hạ tầng phát triển, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao.
Trong khi đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này càng đáng chú ý khi lượng vốn được giao năm 2023 tăng khoảng 23% so với năm 2022. Vì vậy, đây là kết quả rất lớn, ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực và hiệu quả trong điều hành và thực hiện, từ trung ương đến từng đầu mối, dự án cụ thể.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại chủ yếu do sức cầu bên ngoài yếu, doanh nghiệp trong nước gặp khó về cơ hội tiêu thụ nhưng nền kinh tế vẫn trụ vững, ổn định vĩ mô. Mức tăng trưởng của nước ta vẫn thuộc hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận, trong 9 tháng vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp quý sau cao hơn quý trước… Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động... Dự báo, hết năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu (khoảng 6,5%) nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách có thể đạt thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,5%, thấp hơn chỉ tiêu. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 700 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Dồn sức, tạo lực cho tăng trưởng
Bên cạnh những kết quả khả quan, nền kinh tế cũng bộc lộ không ít điểm yếu, không thể xem thường và cần tập trung khắc phục, nhất là đối với hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và xuất khẩu. Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi cùng thời gian kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2%. Một bộ phận doanh nghiệp tiếp tục đối diện khó khăn, bất lợi do sức chống chịu đã bị bào mòn. Cung - cầu trong nước và quốc tế bất ổn, khó lường…
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần tận dụng sức cầu có dấu hiệu “ấm hơn” và độ chống chịu của nền kinh tế được củng cố để tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo lực đẩy tăng trưởng. Mặt khác, các nguồn lực, cơ hội phải được phát huy tối đa nhằm gia tăng sức đóng góp của các động lực tăng trưởng. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
“Đó là yêu cầu bức thiết và cũng là phương cách để kích đẩy tăng trưởng GDP như một sự bù đắp, chia sẻ với các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn. Cứ giải ngân được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%. Nếu năm 2023, cả nước giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%. Như vậy, đối với kinh tế Việt Nam, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao sẽ tác động mạnh và lan tỏa tới tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Góp sức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về việc đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6-2024 cho các nhóm hàng, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Nếu được thông qua, đây là giải pháp tiếp sức, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong năm tới và được giới công thương ghi nhận, đồng thuận.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, từ nay đến hết năm 2023 nên tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách về tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại. Bên cạnh đó, chủ động và quyết liệt trong đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các chuyên gia cũng chia sẻ, cần tăng tốc cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả. Phát huy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ tín dụng... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn.
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và mục tiêu, nhiệm vụ đã được Trung ương thảo luận kỹ lưỡng…. Việc cần làm ngay là tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn nhận về kinh tế quý IV-2023, Tổng cục Thống kê cho hay, có 39,1% số doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III-2023. Hiện có một số dấu hiệu quan trọng để nhận định kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể là sản xuất công nghiệp từ quý III đã tăng trở lại. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt cả về sản xuất, đơn đặt hàng. Cầu tiêu dùng có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm. Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu cũng từng bước tăng trở lại, khi sức cầu trên thế giới phục hồi một bước đáng ghi nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.