(HNM) - Diễn ra ngắn hơn dự định, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ II giữa lãnh đạo các nước BRIC - gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - vừa kết thúc tại thủ đô Braxilia (Braxin) ngày 16-4. Cuộc gặp thượng đỉnh xuyên đại dương này được tổ chức sớm hơn một ngày và rút ngắn thời gian so với dự kiến (2 ngày) để Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trở về nước giải quyết hậu quả trận động đất kinh hoàng 7,1 độ ríchte vừa xảy ra ở tỉnh Thanh Hải.
Bốn nhà lãnh đạo trong nhóm Bric tại thủ đô Braxilia (Braxin) ngày 16-4. |
Các mối quan tâm toàn cầu được nguyên thủ 4 nước thảo luận tại hội nghị gồm kinh tế thế giới, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), biến đổi khí hậu, đối thoại và hợp tác trong BRIC… Nhưng trọng tâm vẫn là làm thế nào để duy trì tính ổn định của các đồng tiền chủ chốt như phương tiện dự trữ của thế giới; đề cao tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa chúng với sự bền vững trong các chính sách tài chính hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế vững chắc, dài hạn và cân bằng; đồng thời kêu gọi cải tổ hệ thống tài chính thế giới.
Mục tiêu của BRIC là muốn có thêm các đồng tiền dự trữ chung của thế giới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Vấn đề này từng được bàn thảo trong Hội nghị Thượng đỉnh BRIC lần thứ I tại Nga hồi tháng 6-2009. Theo các nhà lãnh đạo BRIC, hệ thống tài chính thế giới hiện nay đã già cỗi và cần phải thay đổi tư duy; đồng USD vốn là nguồn dự trữ cơ bản của nhiều quốc gia đã không đáp ứng được trước sự phát triển đa dạng của các nền kinh tế hiện nay. Vì vậy, thế giới cần những đồng ngoại tệ dự trữ mới, hoặc tiếp nhận các đồng nội tệ cho các giao dịch thanh toán tương hỗ. Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới mong muốn thúc đẩy một đồng tiền chung trong thương mại quốc tế và đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối lớn thứ 3 thế giới của nước này nhằm giảm thiểu sự rủi ro do tình trạng thống trị của đồng USD. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những động thái mạnh mẽ nhằm biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ chung thay thế đồng USD. Đây là lần thứ hai các nhà lãnh đạo BRIC nhất trí phối hợp hành động hiệu quả hơn nữa giữa các nền kinh tế mới nổi.
Thực tế, 4 nước BRIC là các nền kinh tế mới nổi giàu tiềm năng và ngày càng có vai trò lớn hơn trong đời sống quốc tế hiện nay. BRIC có khoảng ba tỷ người, chiếm 42% số dân thế giới và 20% giá trị kinh tế toàn cầu. Các nước thành viên có quan hệ kinh tế và thương mại gắn bó với nhau, đồng thời là những thị trường được các nước đang phát triển tìm đến. Thêm vào đó, BRIC còn là khu vực quan trọng giúp bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu khi nắm giữ khoảng 40% sản lượng lúa mì, 50% sản lượng thịt lợn và hơn 30% lượng thịt gia cầm trên thế giới. Nga hiện là nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới đang muốn tăng lượng xuất khẩu sản phẩm này tới thị trường Braxin. Trong khi đó, Braxin cung cấp hơn một nửa lượng thịt nhập khẩu của Nga... Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, BRIC đã không chỉ vượt qua giai đoạn nặng nề nhất mà còn bắt đầu tăng trưởng và được nhìn nhận sẽ đóng vai trò chủ đạo trên thế giới trong tương lai.
Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại của bốn nước BRIC đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác tài chính và cơ hội đầu tư giữa các bên. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo BRIC cũng đã lên tiếng hối thúc tất cả các quốc gia chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đấu tranh với những hạn chế thương mại toàn cầu.
Sự kiện BRIC gia tăng đối thoại và hợp tác không những đem lại lợi ích cho mỗi nước, mà còn khiến môi trường thương mại xuyên đại dương trở nên hấp dẫn hơn, phù hợp với mong đợi và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Dù còn non trẻ nhưng trong một nỗ lực thúc đẩy liên kết mới, tiếng nói của BRIC đang ngày càng có sức thuyết phục và tạo ảnh hưởng tích cực cho môi trường thương mại toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.