(HNM) - Trao đổi bên lề kỳ họp ngày 9-6, các đại biểu Quốc hội khẳng định, bức tranh kinh tế - xã hội đã có nhiều
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam):Phát triển các cơ sở ươm tạo khoa học công nghệ
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành Công nghiệp Việt Nam có xu hướng chậm lại, trung bình chỉ đạt 14,3% năm. Năng lực ngành Cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trong nước do hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn, công nghệ, thiết bị chế tạo lạc hậu. Chính phủ cần đánh giá sự suy giảm, từ đó có giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí chế tạo; cải thiện hạ tầng khoa học công nghệ và môi trường kinh doanh để thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư chuyển giao công nghệ và triển khai hoạt động thiết kế, chế tạo tại Việt Nam thay vì gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ như hiện nay. Song song với đó cần phát triển các cơ sở ươm tạo khoa học công nghệ cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết từ giai đoạn hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm, cho đến khi thành lập và phát triển doanh nghiệp thành công…
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương):Không để doanh nghiệp thua trên "sân nhà"
Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mạnh về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ quản trị hiện đại mà còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ nước họ trong các chương trình phát triển hệ thống sản xuất. Do vậy để ngành sản xuất nội địa phát triển, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch cụ thể liên quan đến phát triển thị trường trong nước, đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi được thông qua vào cuộc sống. Đồng thời thực hiện các giải pháp kiểm soát tốt thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài. Đây là tiền đề khắc phục tình trạng các doanh nghiệp trong nước trở thành “khách” trên chính thị trường của mình và thua trên "sân nhà".
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An):Tập trung xử lý nợ xấu
Nợ xấu hiện nay là “cục máu đông” của nền kinh tế, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm “tắc nghẽn”, cản trở sự phát triển kinh tế đất nước. Giải quyết nợ xấu là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Ngân hàng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong tham mưu cho Chính phủ đưa ra các chính sách, giải pháp về xử lý nợ xấu. Phương án để các tổ chức tín dụng, ngân hàng tự tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan là giải pháp có tính khả thi. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo đảm xử lý toàn diện, tạo đồng thuận trong xã hội khi thực hiện chủ trương trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.