Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp

Thế Văn| 20/08/2022 06:41

(HNM) - Dự sự kiện “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA - 2022” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Đối với một đất nước “lấy canh nông làm gốc”, khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp, hỗ trợ vốn, pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi nghiệp. Đây là khâu đột phá cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội không nhiều, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp cũng không bằng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng nông nghiệp có vai trò đặc biệt trong cấu trúc kinh tế - xã hội. Mặt khác, lĩnh vực nông nghiệp đa dạng ngành nghề vẫn là mảnh đất màu mỡ để người nông dân làm giàu và những người trẻ khai thác trên con đường lập nghiệp. 

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu thu được những kết quả nhất định. Nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về quê hương, tận dụng lợi thế từ tài nguyên bản địa để khởi nghiệp. Xu hướng này đang thổi một làn gió mới vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả… Tuy nhiên, khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của niềm đam mê, khát vọng làm giàu, mà còn là những cạnh tranh nghiệt ngã trên thương trường, người khởi nghiệp phải làm chủ được khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và sáng tạo trong kết nối để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Tạo dựng phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là thu hút giới trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương là trách nhiệm của cả cộng đồng. Trong đó, cần chú trọng đồng bộ các giải pháp đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp, tạo dựng môi trường khởi nghiệp; hỗ trợ vốn và pháp lý cho những người khởi nghiệp.

Trước hết là xây dựng chương trình khởi nghiệp, thông qua các lớp tập huấn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái… cung cấp kiến thức, kỹ năng, giúp người nông dân quyết định phương thức làm giàu. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học cần đổi mới nội dung, cấu trúc chương trình, chú trọng nghiên cứu khoa học… để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sáng tạo cho sinh viên, qua đó hình thành những lớp khởi nghiệp - startup trong lĩnh vực nông nghiệp có tri thức và khát vọng đổi mới.

Mặt khác, cần tạo dựng môi trường khởi nghiệp qua việc triển khai giải pháp mang tính động lực để những người trẻ có thêm khát vọng sáng tạo; hoàn thiện ý tưởng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới; đồng thời thu hút doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này. Các địa phương cần nghiên cứu xây dựng mô hình “nông dân tỷ phú”, “nhà khoa học của nhà nông”… để lan tỏa và xây dựng môi trường khởi nghiệp…

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (theo Quyết định số 844/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới liên kết, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ…, qua đó tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, nông nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển mình, tạo đột phá theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.