Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy kết nối, thu hẹp khoảng cách

Quang Huy| 09/09/2016 07:23

(HNM) - Những năm gần đây, vai trò của ASEAN đang ngày càng trở nên quan trọng. Mỗi kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức đã trở thành một diễn đàn thực sự của không chỉ 10 quốc gia thành viên mà còn cả những đối tác hàng đầu thế giới.


Với chủ đề “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”, Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 diễn ra tại Viêng Chăn, Lào từ ngày 6 đến 8-9 đã đánh dấu một bước phát triển mới, thực chất, hiệu quả giữa 10 quốc gia Đông Nam Á và cả các đối tác quan trọng của tổ chức này.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp.


Trước hết phải kể đến những thành công trong hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong nội bộ giữa 10 quốc gia thành viên. Với các cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, Hiệp hội đã thể hiện quyết tâm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất. Trong đó, việc thông qua Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 đã tạo ra cơ hội để giúp các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách, hướng tới một ASEAN phát triển đồng đều, bền vững.

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều khó khăn, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định sự cần thiết phải có những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng ổn định của khu vực. Trong đó, đề cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, phát triển thị trường lao động, du lịch... và quan trọng nhất là để người dân khu vực được hưởng những thành quả của quá trình phát triển.

Tuy nhiên, thành công ấn tượng của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này là các thành viên của Hiệp hội đã tìm được tiếng nói chung, thống nhất trong việc xác định rằng bất ổn an ninh như khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, đặc biệt là căng thẳng tại Biển Đông đang mang đến rủi ro lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Do đó, các lãnh đạo đã nhất trí ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm để đối phó với các thách thức đang ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như trong khu vực nhằm xây dựng cấu trúc an ninh dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thực thi nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần tăng cường lòng tin giữa các quốc gia, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, trong đó có các hành động quân sự hóa, tôn tạo, bồi đắp các đảo tại Biển Đông. Trên tinh thần đó, ASEAN và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận về áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao về các tình huống khẩn cấp trên biển. Đây được xem là một bước tiến tích cực thể hiện nhận thức chung của hai bên về tầm quan trọng của hợp tác nhằm giải tỏa bất đồng và căng thẳng.

Dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những hoạt động và phát biểu thể hiện thiện chí, tinh thần trách nhiệm và chính sách đối ngoại hòa bình của nước ta. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ưu tiên nâng cao năng lực và tính tự cường của ASEAN thông qua sự lớn mạnh của từng thành viên, khẳng định đây là nhân tố sống còn quyết định thành công của ASEAN trong việc ứng phó với các thách thức nhằm bảo đảm sự phát triển cũng như tăng cường vị thế của Hiệp hội trên trường quốc tế.

Những kết quả đáng khích lệ trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã cho thấy một ASEAN đoàn kết, đồng thuận và đầy quyết tâm hướng đến một tương lai hòa bình, phát triển, phồn vinh cho các quốc gia trong mái nhà chung 10 thành viên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kết nối, thu hẹp khoảng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.