(HNMO) - Ngày 11-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức chào mừng 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11-4) và tọa đàm Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,4% với gần 6 triệu thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 976.300 người. Quý I-2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 hợp tác xã, giải thể 31 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 29.909 hợp tác xã. Các tỉnh, thành phố có số hợp tác xã thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội 31 hợp tác xã, Bắc Giang 26 hợp tác xã và Thái Nguyên 25 hợp tác xã.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có Thư chúc mừng chia sẻ niềm vui và những điều trăn trở đối với sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước.
Tại buổi tọa đàm Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững nhân kỷ niệm Ngày Hợp tác xã, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ có bước tăng trưởng đáng ghi nhận về số lượng, mà còn thể hiện sự bứt phá, vươn lên, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tích cực tham gia an sinh xã hội.
“Nghị quyết 20-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tập thể lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của hợp tác xã, được xem là bước ngoặt cho phong trào hợp tác xã cả nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian qua, cùng với việc mở rộng liên kết sản xuất, các hợp tác xã đã quan tâm đầu tư chế biến nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân. Hoạt động của hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác trong nội bộ hợp tác xã, đặc biệt góp phần tích cực vào ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.374 hợp tác xã và Quỹ Tín dụng nhân dân. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho hay: Những năm qua, Hà Nội đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, thay thế dần quy mô kinh tế hộ gia đình, thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.