Sáng 26-8, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị”.
Tham dự tọa đàm có đại diện: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), Siêu thị Co.op Mart Hà Đông và các chủ thể có sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị thông tin, tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP, đã có 29/30 quận, huyện, thị xã đánh giá, phân hạng được 2.769 sản phẩm. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn một số khó khăn. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, việc tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ…
Tại tọa đàm, các chủ thể OCOP của Hà Nội chia sẻ về kết quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, vì nhiều lý do, nhiều chủ thể chưa đưa được sản phẩm vào kênh siêu thị.
Theo bà Phan Uyên - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng (huyện Ba Vì), với đặc thù sản phẩm của đơn vị sản xuất nhỏ nên chưa xây dựng được mã vạch. Trong khi đó, đây lại là yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa trong các siêu thị. Bên cạnh đó, sản phẩm đặc sản cần có nhân viên bán hàng chuyên trách để giới thiệu với khách, nhưng ở siêu thị thì khó bố trí. Việc thanh toán sản phẩm khi đưa vào các siêu thị cũng chậm hơn so với bán trực tiếp cho người tiêu dùng khiến việc quay vòng vốn của doanh nghiệp nhỏ khó khăn.
Còn theo ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh), sản phẩm vào hệ thống siêu thị cần được đóng gói, bảo quản theo quy chuẩn. Trong khi đó, do sản lượng rau rất lớn, lên tới hàng trăm tấn mỗi ngày nên Hợp tác xã thường đưa sản phẩm tới chợ truyền thống, bếp ăn tập thể…
Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn cho chủ thể OCOP trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, dưới góc độ cơ quan quản lý, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường. Đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...), tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất...
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, bên cạnh sự kiện hội chợ, tuần hàng festival…, thành phố đã khai trương, đưa vào hoạt động 105 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP phục vụ người tiêu dùng tại các quận, huyện, thị xã.
Là nhà bán lẻ sản phẩm, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op có hơn 130 mặt hàng OCOP gồm trái cây, trứng gia cầm, mật ong, yến sào chưng đường phèn, bột rau củ các loại… Thời gian tới, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với các hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương để đưa nông sản vào hệ thống đa dạng...
Kết luận buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Qua tọa đàm, thành phố nhận được nhiều ý kiến, nhiều tham vấn quý giá của các đại biểu để việc đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.