OCOP Hà Nội

Báo Hànộimới mở chuyên mục “OCOP Hà Nội”

Minh Phú 01/07/2024 - 11:01

LTS: Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Nhằm hỗ trợ người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích, giá trị, từ đó tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chương trình OCOP, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, mua sắm và sử dụng sản phẩm…, từ tháng 7-2024, Báo Hànộimới mở chuyên mục “OCOP Hà Nội” trên Báo điện tử. Báo Hànộimới trân trọng mời độc giả theo dõi.

chan-to-tam-2(1).jpeg
Chăn tơ tằm - sản phẩm độc đáo của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.

Chăn tơ tằm tự dệt - sản phẩm độc đáo đạt OCOP 5 sao

Chăn tơ tằm tự dệt là sáng tạo của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), sản phẩm đã được Bộ NN&PTNT công nhận OCOP 5 sao - thứ hạng cao nhất trong “nấc thang” đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Chia sẻ về hành trình sáng tạo ra sản phẩm “độc nhất vô nhị” này, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho hay: Ý tưởng cho tằm tự dệt chăn tơ nảy ra sau nhiều lần bà ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào. Từ đó, bà so sánh rằng, rõ ràng con tằm dệt ra cho mình một chiếc vỏ bền chặt mà không kỹ thuật dệt tay nào của con người có thể đạt được. Vậy tại sao không biến con tằm thành những công nhân tự dệt nên những tấm chăn tơ cho mình.

Ý tưởng đã có nhưng khi thực hiện không hề đơn giản. Rất nhiều lứa tằm đem ra làm thí nghiệm cùng nhiều công sức bỏ ra, nhưng vẫn chưa thành được tấm chăn. Nguyên nhân do khi tằm đan kén còn có cái tổ để che thân, nên yên tâm kéo tơ. Trong khi đó, để dệt chăn, tằm tự dệt không ở trong vỏ kén mà nằm trên một mặt phẳng, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Sau nhiều lần nghiên cứu, rút kinh nghiệm, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã đưa “mô hình” vào trong nhà kín không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa.

chan-to-tam(1).jpg
Sản phẩm chăn tơ tằm của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận tại các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Bà Thuận cho biết, trong ruột mỗi con tằm chứa sợi tơ dài 400-500m, nên phải tính toán tỉ mỉ khoảng cách thích hợp để cho chúng vươn cổ, nhả tơ sao cho thật vừa tầm, mà không vướng víu. Khi đã đạt độ dài, rộng, dày theo tiêu chuẩn thì đem tơ ấy tẩy đi sẽ tạo được tấm ruột chăn có màu sắc trắng như bông. Đến năm 2010, những sản phẩm chăn bông, áo bông tơ tằm tự dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành công và từ năm 2012, bà Thuận bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường.

Để làm được một tấm chăn bông tơ tằm, cần ít nhất 50kg tằm bắt đầu nhả tơ. Chăn bông do tằm tự dệt có độ bền, tinh xảo, đồng đều cao mà máy móc cũng khó làm được. Đặc biệt, chăn được làm từ loại tơ do tằm ăn lá dâu sạch nhả ra, mỗi sợi tơ thực chất là một sợi protein sạch, nên nếu dùng lâu dài rất tốt cho sức khỏe.

Chăn tơ tằm tự dệt đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền "Giải pháp hữu ích" tháng 11-2016. Chính vì sản xuất từ nguyên liệu độc đáo và kỳ công mà giá của mỗi chiếc chăn tơ tằm tự dệt lên tới hàng chục triệu đồng, có thể trở thành món quà hết sức giá trị khi cần tặng cho những vị khách quan trọng.

Chăn bông tơ tằm tự dệt là 1 trong 22 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao năm 2022, được Bộ NN&PTNT công bố và trao quyết định ngày 17-7-2023. Tính riêng với Hà Nội, hiện thành phố có 6 sản phẩm của 3 chủ thể được công nhận đạt OCOP 5 sao là sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, gốm men Suối Ngọc của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh (cùng ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) và chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).

5c7f6d07396b9b35c27a-1-.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Hànộimới mở chuyên mục “OCOP Hà Nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.