Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

Đình Hiệp| 15/10/2022 09:59

(HNMO) - Sáng 15-10, tại Văn phòng Chính phủ, Chính phủ phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và trực tiếp đối thoại với phụ nữ cả nước tại điểm cầu Hà Nội.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng hơn 5.000 hội viên phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Công tác phụ nữ và bình đẳng giới được quan tâm

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến phong trào phụ nữ và chủ trì Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ cả nước.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát; Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đạt được các kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, kinh tế được phục hồi và phát triển, lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện.

Công tác phụ nữ và bình đẳng giới luôn được quan tâm, đạt được những thành tựu quan trọng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây, hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng số 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.

Đồng hành cùng Chính phủ, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao vai trò tham gia quản lý nhà nước của các cấp Hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” với hàng nghìn trẻ mồ côi được hỗ trợ, chăm sóc mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện phẩm chất, tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân.

“Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đây là dịp để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe ý kiến của các tầng lớp phụ nữ, đồng thời động viên, khích lệ phụ nữ nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa những mong ước của bản thân, khơi dậy tiềm năng, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đồng chí Hà Thị Nga cho biết.

Để chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại này, các cấp Hội đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của hội viên, phụ nữ thông qua sinh hoạt hội viên, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, nắm bắt dư luận xã hội, mở chuyên mục trên Báo Phụ nữ Việt Nam, thu thập ý kiến trên hệ thống cổng thông tin điện tử và các nền tảng số của Hội. Các vấn đề chính, các kiến nghị, đề xuất của các tầng lớp phụ nữ tập trung vào 3 nhóm lớn như sau:

Một là, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế như cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ ươm tạo công nghệ; có giải pháp để phụ nữ tiếp cận được nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, trong đó mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô.

Hai là, các vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới như: Giải pháp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; trong hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ; các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ; giải pháp, cơ chế đặc thù cho cán bộ Hội cơ sở.

Ba là, các vấn đề liên quan đến môi trường sống an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ em, như chính sách thai sản nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể cấp quốc gia; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm trẻ gia đình); tạo điều kiện để phụ nữ di cư trở về nhanh chóng tái hòa nhập, ổn định cuộc sống; quản lý hiệu quả thông tin chia sẻ trên mạng xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội

Phát biểu mở đầu đối thoại, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ, các chị em, các cháu gái trong cả nước.

Thủ tướng khẳng định phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp... Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau. Thông qua cuộc đối thoại, Thủ tướng muốn lắng nghe, chia sẻ, cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thân thành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu nói rõ tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc...

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

“Đề nghị các bộ, ngành trả lời có trách nhiệm về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm của mình phải cố gắng làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong chương trình, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp đối thoại và trả lời các câu hỏi của đại diện phụ nữ cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.