(HNM) - Phụ nữ và trẻ em gái nước ta đã, đang được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề cũng như trong đời sống. Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, các cơ quan chức năng và mỗi người dân cần tiếp tục có thêm nhiều giải pháp, cách làm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em gái có cơ hội phát triển.
Cơ hội và thách thức
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2007), phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Hiện tại, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn 3,7% so với mức trung bình của thế giới và 8,5% so với mức trung bình của châu Á. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt khoảng 30%; tỷ lệ lao động nữ tham gia lao động xã hội đạt hơn 70% và chiếm hơn 48% cơ cấu việc làm, thuộc nhóm cao trong khu vực.
Tại Hà Nội, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là 12%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 của thành phố là 30%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 là 23,8%, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có được kết quả trên là nhờ phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta đã, đang được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách quốc gia về an sinh xã hội tương đối đầy đủ, toàn diện. Hằng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có chính sách dành cho phụ nữ và trẻ em gái.
Cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái phát triển đang rộng mở, nhưng song hành với đó là những thách thức. Dễ nhận thấy là tính bền vững trong việc làm của lao động nữ chưa cao, khi những ngành, nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông, dễ bị máy móc thay thế như dịch vụ, dệt may, da giày… có tỷ lệ lao động nữ chiếm tới gần 70%. Đáng lo hơn là tình trạng phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bị mua - bán nhiều hơn so với nam giới.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong tổng số khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện hằng năm, trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em trai.
Hướng tới sự bình đẳng thực chất
Thực tế cho thấy, để thúc đẩy bình đẳng giới bảo đảm thực chất, hiệu quả, các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái cần tiếp tục thay đổi cả nhận thức và hành động.
Từng chịu bạo lực thể chất, tinh thần từ chồng, chị N.T.Nh. (thị xã Sơn Tây) chia sẻ: Sự nhẫn nhịn, cam chịu của người phụ nữ không phải là giải pháp xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc. Thay vào đó, khi không may bị bạo lực, xâm hại, phụ nữ cần mạnh dạn lên tiếng để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Bùi Bích Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm mong muốn các ngành, địa phương quan tâm nhân rộng mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại cộng đồng để trợ giúp kịp thời cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho rằng, muốn hướng tới sự bình đẳng giới về thực chất, bản thân phụ nữ cần nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời tạo dựng, bồi đắp cho mình và con cái lối sống, ứng xử văn minh.
Cũng để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển tốt hơn, theo bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc đầu tư, phân bổ ngân sách ở nước ta hiện nay cần tính toán kỹ lưỡng đến yếu tố giới, lồng ghép với các chương trình, mục tiêu vì bình đẳng giới.
Đồng tình với quan điểm này, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới là giải pháp toàn diện, bền vững để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới”.
Còn ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) kiến nghị Quốc hội tăng cường các hoạt động thẩm tra, giám sát việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Bình đẳng giới cho phù hợp.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có một chương riêng quy định các vấn đề liên quan đến lao động nữ. Theo đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu sẽ có sự rút ngắn giữa lao động nam và nữ; chế độ thai sản, chăm sóc con nhỏ được quy định cụ thể đối với cả nam và nữ...
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019-2022, nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách, pháp luật cũng như các cam kết quốc tế về bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ; nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhất là đối với trẻ em gái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.