(HNNN) - Ý kiến của người đối thoại cũng sẽ tạo cho người ta sự hài lòng vì mình được tôn trọng nên cũng sẽ thoải mái giao tiếp hơn.
O. Thuật nhân tâm
4. Khen ngợi người
Lời khen ngợi đối với con người có tác động tâm sinh lý rất quan trọng vì người ta vẫn quan niệm rằng: Nói ngọt lọt đến xương. Cho dù thích hay không thích, ghét hay yêu những lời ngợi ca cùng miệng lưỡi người nói, thì cảm giác được nghe những lời khen mình là một niềm thích thú không thể chối từ (có thể ta không thấy mũi họ tăng diện tích, nhưng cái sung sướng âm ỉ lâu dài hơn nhiều). Cách khen ngợi có nhiều tên gọi: Phỉnh nịnh, bợ đỡ, ve vãn, xun xoe, tung hứng, đi tàu bay giấy, thổi gió, cưỡi diều. Trong phạm vi khen ngợi, tạm chia thành khách thể (người khen ngợi) và chủ thể (người được khen ngợi). Mỗi khi khách thể mất công chuẩn bị, chầu chực để cất lời ca ngợi, tất phải có mục đích và mức độ khen (đúng hoặc sai), cao thấp, dài ngắn, ngọt nhạt đến đâu đều phụ thuộc vào mục đích đó cả. Chủ thể cũng chịu khó đầu tư thời gian để thẩm thấu những lời khen, tất nhiên cũng hình thành tâm lý xao động nhất định và chính mức độ tin yêu, đối đãi (bằng lời khen đáp lại, quà tặng, ghi nhận, hứa hẹn) với khách thể phụ thuộc vào sự hài lòng đó. Vậy nên, muốn sáng tác ra lời khen cũng phải có kỹ năng, hoạt ngôn, lôgíc thuyết trình và hiểu biết thực tế thì lời khen mới được đánh giá chất lượng cao. Muốn hiểu rõ lời khen thật thà hay sáo rỗng, phải biết phân biệt thực giả, đúng sai, phải trái và nắm bản chất mục đích sau những lời khen. Phương pháp khen ngợi cũng đa dạng, có thể là: Lời nói có cánh, câu thơ, lời đề tặng, bài phát biểu, món quà văn hóa, bài phóng sự trên báo, phối hợp cùng nhiều người lên tiếng khen nức nở và hiện nay còn thêm cú di động nóng, nhắn tin, chát, email. Chủ đề khen ngợi càng vô biên, người ta có thể khai thác: Từ cái khăn quàng, mũ, cà vạt, đôi giày, quần áo, bộ váy, đồng hồ, dây chuyền, dáng đi, lời nói, sự chỉ đạo đều trở thành chủ đề cho sự khen ngợi chủ thể. Tuy nhiên, khen đúng và cảm ơn đúng thuộc về trình độ văn hóa, xã giao, còn khen sai và trả ơn sai thì trở thành hiện tượng phản văn hóa, tiêu cực.
Các triều đại phong kiến ngày xưa thường có tục lệ kiểm tra thân thể các cô gái trước khi đưa vào cung vua làm thê, thiếp, phi. Vào thời Hán Hằng Đế, Lương Huỳnh là một tiểu thư khuê các, tài hoa nổi tiếng, nên được xét tuyển vào cung làm hoàng hậu. Nữ quan phụ trách việc kiểm tra là Ngô Húc đã làm xong các thủ tục ở vòng ngoài, nhưng khi đến khâu cuối cùng là phải kiểm tra thoát y để tìm ra những khiếm khuyết của cơ thể, thì Lương Huỳnh xấu hổ nên nhất định không đồng ý. Ngô Húc đưa ra nào các quy định của hoàng gia, nào ý chỉ của hoàng thượng nhưng đều không có kết quả. Cuối cùng, Ngô Húc đành dùng biện pháp nâng cao, khen ngợi nhẹ nhàng rằng: “Kính mời hoàng hậu tuân theo ý chỉ của hoàng đế và quy tắc của hoàng gia để hành sự!”. Lương Huỳnh nghe thấy mình đã được nâng lên thành hoàng hậu nên vô cùng sung sướng, để cho Ngô Húc cởi bỏ xiêm y mà thi hành phận sự. Nhưng rồi tính e thẹn vốn có cũng trỗi dậy, đến chiếc áo lót cuối cùng thì Lương Huỳnh không chịu cho cởi nữa. Ngô Húc lại nhắc khéo: “Hoàng hậu, đại lễ sắp đến rồi, không còn thời gian nữa đâu?”, rồi nhanh nhẹn hoàn thành nốt công việc trong khi miệng vẫn lẩm bẩm: “Xin hoàng hậu thứ tội! Xin hoàng hậu tha tội!”. Nhờ cách xử lý rất thông minh này mà việc kiểm tra hoàn thành tốt đẹp, về sau thì Lương Huỳnh cũng trở thành hoàng hậu.
Thế kỷ XIII, nhà Trần phải chống lại những cuộc xâm lược quy mô của quân Nguyên - Mông. Trong lúc đó thì hai vị quan đứng đầu triều đình là Thượng tướng Tể tướng Trần Quang Khải và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương vốn có hiềm khích về chi họ và cũng bất hòa cá nhân với nhau. Nhận thấy mâu thuẫn này sẽ trở thành hiểm họa nội bộ sâu sắc, ảnh hưởng đến cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, nên Hưng Đạo Vương luôn chủ động giữ ý để tránh nghi kị thêm giữa 2 người, đồng thời tìm cách lấy lòng, giảng hòa với Trần Quang Khải vì lợi ích quốc gia. Có lần vua Trần Thánh Tông đi đánh giặc, Trần Quang Khải đi theo nhà vua, bỏ trống ghế Tể tướng, lúc ấy sứ thần phương Bắc lại sang. Thượng hoàng Trần Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương đến bảo rằng: “Thượng tướng đi theo hầu nhà vua, hiện đang vắng mặt, trẫm muốn khanh làm chức Tư đồ để tiếp sứ thần?”. Trần Quốc Tuấn trả lời rằng: “Việc tiếp sứ thần phương Bắc thì thần không dám từ chối. Còn việc cho thần làm chức Tư đồ thì thần không dám vâng theo chiếu chỉ của Thượng hoàng. Huống chi đương lúc bệ hạ đi đánh giặc xa, Quang Khải đi theo hầu mà Thượng hoàng lại phong cho thần chức ấy thì tình nghĩa sợ có chỗ chưa ổn, không được thỏa lòng bệ hạ và Quang Khải. Vậy đợi khi bệ hạ về sẽ xin nhận chức cũng chưa muộn gì”. Một hôm Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến Thăng Long. Quang Khải xuống thuyền của Quốc Tuấn đánh cờ chơi vui suốt ngày rồi mới về. Tính Quốc Tuấn thì thích xông và tắm. Tính Quang Khải lười tắm gội. Quốc Tuấn bèn nói với Quang Khải rằng: “Thân thể ngài cáu bẩn, xin được tắm giùm”. Rồi Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, lấy nước thơm để tắm gội và vui vẻ nói: “Hôm nay tôi được tắm gội cho Thượng tướng!”. Quang Khải cũng thích thú nói: “Hôm nay tôi được Quốc công tắm gội cho”. Từ sự kiện đó, hai người trở nên hòa nhã với nhau, giao du vui vẻ, tình thân càng mặn mà, phò giúp vua Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông.
Charles White phụ trách bộ phận tín dụng khách hàng của ngân hàng New York được giao nhiệm vụ nghiên cứu tình hình tín dụng của một công ty kinh doanh lớn. Khi chuẩn bị bước vào phòng khách, White nghe thấy tiếng cô thư ký đang giải thích và xin lỗi ông Giám đốc công ty vì không tìm được tem thư bưu điện như yêu cầu. Trong cuộc gặp mặt, White đã khéo léo gợi chuyện xã giao và được biết cậu con trai 12 tuổi của ông Giám đốc rất thích sưu tầm tem thư, tuy nhiên khi White đề cập đến vấn đề tài chính và tín dụng của công ty thì Giám đốc lảng tránh sang những chủ đề khác, vì thế White đành xin cáo từ. Mấy hôm sau, White lại bất ngờ đến gặp Giám đốc công ty và nói: “Thưa ngài, tôi đến đây chỉ để gửi cho cháu vài chiếc tem thư. Đây là 10 chiếc tem thư nước ngoài mới nhất”. Ông Giám đốc vô cùng ngạc nhiên và thích thú, luôn miệng nói: “Cảm ơn, xin cảm ơn! Tôi thấy vui hơn cả chuyện được bầu làm nghị sĩ Quốc hội và con trai tôi chắc chắn còn vui hơn tôi nữa”. Sau đó ông Giám đốc mang ảnh cậu quý tử ra khoe, rồi hai người cùng hàn huyên về các loại tem. Lần này thì Giám đốc chủ động kể cho White nghe tình hình tài chính, làm ăn của công ty, thậm chí vấn đề nào chưa rõ ông còn gọi điện cho cấp dưới mang số liệu đến trình bày trực tiếp với White. Và chỉ nhờ mấy chiếc tem thư mà đại diện ngân hàng New York đã thành công.
Trong giao tiếp hàng ngày, có rất nhiều cách nói để khéo léo khen ngợi người khác một cách xã giao và hợp lý tùy theo đối tượng và hoàn cảnh. Nói chuyện với người lạ trước hết cần tôn trọng họ bằng cách để cho họ nói trước, trình bày hết những quan điểm, sở thích riêng rồi sau đó ta sẽ dựa vào đó để bắt mạch chuyện rồi lái sang vấn đề hai bên cùng quan tâm. Chiều sở thích người khác trong đối thoại là dễ thực hiện nhất, có thể theo hai phương pháp: Khen ngợi và xin chỉ dẫn, góp ý. Khen người khác hoặc sự vật hai bên cùng quan tâm sẽ tạo nên bầu không khí thân tình, cởi mở, tri kỷ với nhau. Tất nhiên, chỉ có thể ngưỡng mộ thôi, nếu tâng bốc thái quá dễ gây sự đề phòng cho người khác. Xin ý kiến của người đối thoại cũng sẽ tạo cho người ta sự hài lòng vì mình được tôn trọng nên cũng sẽ thoải mái giao tiếp hơn. Cần tránh hỏi những câu không liên quan gì đến cả hai người để người đối thoại tỏ ra khinh thường ta hoặc nghĩ ta đang chọc tức họ như thế tất nhiên sẽ hỏng việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.