Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuật toán và quyền mưu (tiếp theo)

Đ.H.L| 20/12/2012 16:59

(HNNN) - Sự bình tĩnh sáng suốt, trình độ hiểu biết, tự tin sẽ giúp họ tránh được những cạm bẫy ẩn đằng sau những khích lệ đường mật.


O. Thuật nhân tâm
5. Khích lệ người

Trong cách ứng xử thông thường của cuộc sống, sự khích lệ người khác ít khi được đem ra sử dụng phổ biến. Nhưng, đối với một số trường hợp và hoàn cảnh cụ thể, con người ta đặc biệt cần thêm một liều thuốc kích thích tinh thần để tăng thêm sức mạnh tâm lý, lòng khao khát, quyết tâm thực hiện bằng được ý nguyện, lý tưởng chung hay ước muốn riêng của bản thân, nhờ đó mới có chỗ cho nghệ thuật khích nhân hữu dụng. Sử dụng hành động, cử chỉ, lời nói, vật chất hữu ích giúp người ta phấn khởi nhiệt tình, thêm tin tưởng vào thành công cuối cùng, vì quyền lợi tập thể hay cá nhân được coi là “chính khích lệ” (xui khôn, khuyên đúng). Còn những hành động tương tự như thế, nhưng nhằm kích động tự ái cá nhân, khoét sâu vào tính đố kị, ganh ghét nhằm quyết tâm phá hoại lợi ích công việc chung hoặc làm hại người khác gọi là “phản khích lệ” (xui dại, kích động). Dù khích lệ đúng hay sai cũng đều có mục đích cụ thể, tùy vào bản chất mỗi người. Nếu cách sống rộng lượng, khoan hòa, vô tư vì điều tốt đẹp, muốn góp phần nhỏ bé về tinh thần, tình cảm của mình cho người khác thành công, là khích lệ đẹp, mang đậm tính nhân văn cho cả người khích lệ và người được khích lệ. Đối với những kẻ cơ hội, muốn tính toán sắp đặt cá nhân, thì sẽ nỗ lực xúi bẩy người khác vượt quá trạng thái cân bằng của tâm lý và tình cảm, suy nghĩ mất sáng suốt (giận quá mất khôn), cuối cùng dẫn đến hành động mù quáng, sai lầm. Nhờ đó, kẻ xúi giục (gián tiếp hay trực tiếp) sẽ được hưởng lợi và thành công nhờ may mắn kích động người khác trúng kế của mình mà thất bại. Đối với cả hai mặt tác dụng của khích lệ, như vậy thì vai trò chủ thể của người được khích lệ vô cùng quan trọng. Sự bình tĩnh sáng suốt, trình độ hiểu biết, tự tin sẽ giúp họ tránh được những cạm bẫy ẩn đằng sau những khích lệ đường mật.

Sách “Tam quốc diễn nghĩa” kể rằng, Khổng Minh Gia Cát Lượng là người rất giỏi dùng mưu kế, đặc biệt chỉ sử dụng một kế khích tướng không những làm kẻ thù chống phá lẫn nhau, mà còn giúp các tướng sĩ thắng trận. Trong cuộc chiến giành lấy Hán Trung, Khổng Minh đã vài lần khích lão tướng Hoàng Trung gần 70 tuổi lập nhiều chiến công xuất sắc. Lần thứ nhất khi đánh cửa ải Hà Manh, tướng giữ thành của quân Thục không chống cự nổi sức tiến công dũng mãnh của đại tướng Ngụy Trương Cáp, nên liên tục báo tin thua trận về Thành Đô. Lưu Huyền Đức mời quân sư đến bàn việc, Khổng Minh tập hợp các tướng đến nói rằng: “Tình hình cửa ải rất nguy cấp, phải cử người đi gọi Trương Dục Đức về mới có thể đánh lui Trương Cáp”. Các tướng đều nói Trương Phi đang đóng binh ở Ngõa Khẩu, nơi đó cũng rất hiểm yếu không nên rút về. Khổng Minh lại nói: “Trương Cáp là danh tướng của Ngụy. Trừ Dục Đức ra không ai có thể địch nổi”. Lập tức, lão tướng Hoàng Trung lớn tiếng: “Quân sư, sao lại khinh người như vậy. Ta tuy bất tài, nhưng nguyện lấy thủ cấp của Trương Cáp đem về nộp”. Thấy Khổng Minh tỏ ý ngại rằng, tuổi cao không phải là đối thủ của Trương Cáp, Hoàng Trung tức giận dựng ngược tóc, bước ra sân múa đại đao, giương cung tên bắn liền mấy phát để chứng minh còn đủ sức khỏe. Thế là Khổng Minh để Hoàng Trung chọn Nghiêm Nhan làm phó tướng xuất trận đánh bại quân Ngụy, chiếm được Hán Trung. Lần thứ hai, khi quân Thục muốn đánh núi Định Quân do tướng Ngụy Hạ Hầu Uyên chiếm giữ, Khổng Minh cũng đề xuất triệu Quan Vũ từ Kinh Châu đến thì mới mong chiến thắng được. Thấy vậy, Hoàng Trung giận dữ, quyết xin đi tấn công, không cần phó tướng, chỉ dẫn theo 3.000 binh mã. Khổng Minh cũng chần chừ mãi rồi quyết định cử Pháp Chính đi giúp. Kết quả, Hoàng Trung đánh bại Hạ Hầu Uyên, chiếm được núi Định Quân.

Hoàng đế nước Pháp Napoleon cũng từng sử dụng biện pháp khích động binh sĩ vượt qua mức giới hạn của phản ứng bình thường, để vượt qua hoàn cảnh nguy hiểm. Lần đó, Napoleon đang cùng binh sĩ hành quân qua một khu rừng rậm, bỗng nghe tiếng kêu cứu ầm ĩ. Ông thúc ngựa phi lên phía trước và nhìn thấy một số đông binh sĩ tụ tập bên một bờ hồ nước, chỉ chỏ về một binh sĩ bị trượt chân rơi xuống nước, biết bơi chút ít nên đang bị nước cuốn dần ra xa bờ khoảng 30m. Những đồng đội đứng trên bờ cũng không dám nhảy xuống cứu vì vừa không biết bơi, vừa thấy nước chảy quá xiết. Napoleon vội cầm lấy khẩu súng của vệ sĩ, lên đạn chĩa ra hồ và quát to: “Này, không bơi ra xa nữa, bơi về đây ngay, không thì ta bắn chết bây giờ?”. Nói xong, ông bắn liền hai phát đạn về phía người lính đang bì bõm dưới nước. Nghe thấy hiệu lệnh và tiếng đạn nổ, người lính như bừng tỉnh quẫy mạnh người lại và lội vào được đến bờ. Nhận ra Hoàng đế, người lính vội cảm tạ, nhưng không quên thắc mắc: “Tâu bệ hạ, thần bị rơi xuống nước suýt chết đuối, mà sao bệ hạ còn định bắn thần? Hai viên đạn đi sát bên cạnh làm thần sợ quá?”. Napoleon cười nói: “Đồ ngốc! Không dọa thế, thì ngươi sẽ bị chết đuối, nếu càng trôi ra xa càng không thể quay về được vì đây là cái hồ hoang, nước sâu. Chỉ có cách dọa như vậy thì người mới tự cứu được mình chứ!”. Thế là vị Hoàng đế đã biết cách kích động tâm lý ham sống của người lính để anh ta có phản ứng tích cực là tự cứu chính mình.

Năm 1956, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó là Khrushev nhận lời mời của Tổng thống Titô sang thăm Nam Tư. Theo lịch trình, nước chủ nhà bố trí đưa phái đoàn đi tham quan vùng nông thôn và nông trại ngoại ô thủ đô, nhưng khi cả đoàn xe đang chạy trên quốc lộ, thì chiếc xe chở Khrushev đột nhiên bị nổ lốp phải dừng lại, thế là tất cả xe đi theo cũng đều dừng lại chờ, làm tắc nghẽn một đoạn đường dài. Những sự cố khách quan như vậy trong hoạt động ngoại giao vốn là bình thường, nhưng lúc đó trong thời kỳ chiến tranh lạnh nên sự việc này dễ bị các nhà báo thiếu thiện chí tung tin, thêu dệt thêm rất bất lợi cho quan hệ hai nước. Trong khi nhân viên kỹ thuật phía chủ nhà đang toát mồ hôi tìm cách sửa chữa xe thật nhanh, thì Tito bối rối, áy náy và phái đoàn Liên Xô cũng lúng túng, sốt ruột không biết nên làm gì để tạo ra thông tin có lợi cho cả hai bên. Đúng lúc ấy, Khrushev chợt nảy ra một sáng kiến. Để đánh lạc hướng cánh nhà báo, ông quay sang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (lúc đó là Mikoyan) đứng bên cạnh, hỏi thăm vài câu về sức khỏe rồi khích Mikoyan xem có dám thi đấu vật tay với mình không? Thấy Tổng Bí thư có lời mời khá bất ngờ và thú vị nên Mikoyan vui vẻ đồng ý ngay. Thế là hai nhà lãnh đạo Liên Xô thi vật tay ngay bên vệ đường một cách hăng hái, nhiệt tình, nhưng gay cấn, bất phân thắng bại. Sự kiện này quả là giật gân, chưa từng có trong tiền lệ ngoại giao, nên các phóng viên nhà báo đổ xô đến quay phim, chụp ảnh. Phía Nam Tư tranh thủ cơ hội không bị săm soi đã nhanh chóng sửa xong xe và phái đoàn lại tiếp tục cuộc tham quan như kế hoạch. Về sau, quả nhiên báo chí quốc tế chỉ đưa tin về cuộc thi vật tay, mà không ai nhắc đến sự cố nổ lốp xe ôtô.

Khi bắt đầu bước vào một cuộc đàm phán thương mại công nghiệp giữa Trung Quốc và Đức, ông chủ Tăng Thọ của xưởng thép Ôn Châu đã mở đầu câu chuyện với Giám đốc Công ty ABM là Tony như sau: “Ngài đến đây để kinh doanh, vậy có định kiếm nhiều tiền không?”. Giám đốc Tony tỏ ra ngạc nhiên, khó hiểu với câu hỏi của Tăng Thọ, nhưng ông này vẫn thản nhiên nói tiếp: “Đã muốn kiếm nhiều tiền phải có hai điều kiện: Phải có đạo kinh doanh, tức là dù trong mọi trường hợp phải giữ đúng hợp đồng và phải có ý chí, ví dụ: Liệu ngài có dám vứt hàng phế phẩm giá 1 triệu đô la xuống sông không?”. Thấy Tony lúng túng nhìn quanh, Tăng Thọ lại tiếp tục: “Tôi là người có lòng dũng cảm như thế đấy. Trên thế giới này có 3 loại người, loại 1 nói là giữ lời, nói thế nào, làm thế nấy, ngay thẳng không mờ ám; loại 2 phải thể hiện lời nói bằng văn bản giấy tờ mới tin được; còn loại 3 thì… Tôi thuộc loại 1, không biết ngài Giám đốc thuộc loại nào đây?”. Tony vội trả lời: “Tất nhiên là tôi phải thuộc loại 1 rồi, còn loại 3 thì chúng ta hãy quên đi”. Tăng Thọ tán thưởng: “Hay lắm, thế là chúng ta tâm đầu ý hợp. Vậy bây giờ bàn bạc cụ thể nhé”. Sau đó, toàn bộ hợp đồng trị giá 3 triệu USD đã được ký kết với mức chiết khấu 5% và đây cũng là lần đầu tiên, đối tác Đức chịu thay đổi giá cả chỉ vì mấy lời nói khích.

(Xem tiếp số sau)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuật toán và quyền mưu (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.