(HNM) - Đức cam kết sẽ triển khai nhanh gói hỗ trợ tín dụng thêm 500 triệu euro giúp Ukraine tái thiết các khu vực ở miền Đông. Khoản vay
Thủ tướng Arseni Yaseniuk và Thủ tướng Angela Merkel tại Berlin trước giờ họp báo. |
Chuyến công du trong những ngày đầu năm mới 2015 của Thủ tướng A.Yaseniuk diễn ra vào thời điểm đặc biệt khi cuộc gặp thượng đỉnh bốn bên (Ukraine, Nga, Pháp và Đức) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này đang tới gần. Theo thông báo mới đây của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel - được gọi là "Nhóm Normandie" nhằm giải quyết vấn đề Ukraine sẽ diễn ra ngày 15-1 tới tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Phía Nga và Ukraine đã xác nhận sẽ tham dự các cuộc đàm phán chính trị theo công thức "Nhóm Normandie" nói trên. Thế nhưng, Berlin vẫn chưa chắc chắn về thời điểm tổ chức. Trong một phát biểu trước thềm chuyến thăm Đức của Thủ tướng A.Yaseniuk, Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert tỏ ra hoài nghi khi nhấn mạnh một cuộc gặp như vậy chỉ có ý nghĩa khi "có cơ hội đạt được những tiến triển thực sự". Trong khi đó, Tổng thống Pháp F.Hollande cho biết sẽ chỉ tới Kazakhstan "nếu có triển vọng đạt tiến bộ" trong vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh đó, cuộc hội đàm tại Berlin giữa Thủ tướng A.Yaseniuk với người đồng cấp nước chủ nhà A.Merkel có ý nghĩa quan trọng. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ Đức, Chính phủ của Tổng thống P.Poroshenko sẽ gặp không ít trở ngại khi tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua tại miền Đông nước này.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, cùng với việc kiếm tìm những thỏa thuận kinh tế, việc thuyết phục Đức không ngừng tăng sức ép lên nền kinh tế Nga - như một lợi thế trên bàn đàm phán trong cuộc gặp bốn bên sắp tới chính là mục tiêu của Thủ tướng A.Yaseniuk trong chuyến công du này. Những ngày vừa qua nhiều nhà lãnh đạo nền kinh tế EU đã nêu ra khả năng giảm nhẹ trừng phạt đối với Nga. Bởi thực tế cho thấy, những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế EU không hề nhỏ khi kinh tế Nga lâm vào khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Vì thế, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng A.Yaseniuk, bà A.Merkel cho rằng các bên phải tuyệt đối tuân thủ thỏa thuận Minsk đã ký kết nhằm mở ra cơ hội đàm phán hòa bình về tương lai Ukraine. Cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh bốn bên ngày 15-1 vẫn là chủ đề đàm phán trong những ngày tới giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước liên quan, nữ Thủ tướng Đức khẳng định những trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không được dỡ bỏ chừng nào Mátxcơva không tuân thủ đúng thỏa thuận Minsk.
Chuyến công du Đức của Thủ tướng A.Yaseniuk diễn ra vào thời điểm nền kinh tế nước này lún sâu vào khó khăn tài chính sau những bất ổn kinh tế - xã hội vừa qua, đặc biệt là các cuộc xung đột kéo dài tại khu vực miền Đông. Nếu sử dụng cách tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ukraine sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ trong tương lai gần nếu các định chế quốc tế không "rót" thêm tiền cho nước này. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine giảm 8% trong năm 2014. Cùng với tình trạng thâm hụt ngân sách và sự mất giá thảm hại của đồng nội tệ hryvnia, nợ công của Ukraine năm 2015 có thể tăng tới mức 90% GDP. IMF sẽ đánh giá mức nợ này là không bền vững và cho rằng ngoài gói cho vay 17 tỷ USD trước đó, Ukraine cần thêm 15 tỷ USD nữa để tránh vỡ nợ. Theo kế hoạch, thanh tra viên của IMF sẽ tới Kiev vào ngày 14-1 để thảo luận về các khoản hỗ trợ tài chính mới cho quốc gia Đông Âu này.
Giữa lúc khó khăn đó, khoản tín dụng 500 triệu euro mà Chính phủ Đức vừa thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong một động thái mới nhất, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng cam kết EU sẽ cho Ukraine vay thêm 1,8 tỷ euro để giúp bình ổn nền kinh tế đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Khoản vay trung hạn này sẽ giúp Ukraine đối phó với "những thách thức lớn", đồng thời hỗ trợ cho công cuộc cải cách chính trị và kinh tế mà EU nhận định là yếu tố then chốt đối với tương lai của Ukraine.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.